Cần bảo đảm quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 14:44, 14/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 14/11,Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cần thiết sửa đổi Luật Đất đai

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận khẳng định, đất đai là tài nguyên đặt biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Qua gần 9 năm tổ chức thi hành Luật đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác các nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, qua triển khai thi hành Luật đất đai 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân, nhất là các cá nhân yếu thế trong xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số thông qua việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều bất cập…

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 9 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 như Tờ trình Chính phủ đã nêu; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai… Qua đó nhằm phát huy vai trò của nguồn lực quan trọng này trong tiến trình phát triển đất nước.

1.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường sáng 14/11.

Bảo đảm quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội

Đề cập đến khía cạnh: sau khi sửa đổi và được ban hành, Luật Đất đai mới bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của người dân như thế nào, đặc biệt với nhóm công nhân, lao động và dân cư nông thôn; đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ thực tế không thể phủ nhận là các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều trên mọi miền đất nước nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức; chương trình phát triển nhà ở công nhân không đạt kết quả mong muốn.

“Khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở cho công nhân, cho người lao động rất nhiều, đã được bàn thảo suốt thời gian qua và nay cần được giải quyết trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này để bảo đảm nhu cầu an cư lạc nghiệp của hàng triệu công nhân. Theo tôi, để bảo đảm quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương” – đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.

Kế thừa Luật Đất đai hiện hành, điểm d, Điều 143 của dự thảo Luật đã quy định trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại điều 162 - như vậy rất cần thiết song theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông cần có cả chính sách ưu đãi với những trường hợp xây nhà để cho công nhân, người lao động thuê nhằm tăng nguồn cung. Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành quy định trường hợp đất đã giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Chính bởi sự mâu thuẫn, chồng chéo này mà doanh nghiệp khó tiếp cận quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua và theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tính phương án xử lý nút thắt này.

Cần có mức thu tiền sử dụng đất phù hợp

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, ở nông thôn hiện nay có thực tế là nhiều hộ gia đình chia đất cho các con để các con làm nhà sinh sống. Theo quy định hiện hành, người dân sẽ phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Với nhiều người, đây là khoản tiền rất lớn, lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khi không có khả năng nộp tiền sử dụng đất, người dân sẽ xây nhà trái phép. Tình huống này xảy ra sẽ làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật về đất đai vì địa phương cũng khó có đủ nhân lực, vật lực để xử lý vi phạm; trong khi người dân cảm thấy bức xúc vì cho rằng nhu cầu có đất để ở của mình là hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông cần có chính sách, mức thu tiền sử dụng đất phù hợp hơn với những trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất lần đầu khi được chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở. Như vậy, sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận đất ở của người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến quyền lợi của người dân trong vấn đề đất đai, cụ thể là bảng giá đất hàng năm - dùng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuế, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi… Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: bảng giá đất hàng năm do Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng để trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, giao thẩm quyền tham mưu xây dựng bảng giá đất hàng năm cho Sở Tài nguyên và Môi trường là không phù hợp; thay vào đó, nên giao cho Sở Tài chính.

T.HÀ