Ngắm dã quỳ Gia Lai nhớ mùa bằng lăng Bình Thuận
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:42, 15/11/2022
Dã quỳ vào hội
Dã quỳ - một loài cây dại có hoa màu vàng mật ong không xa lạ gì với người dân cao nguyên Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Hoa khoe sắc vào khoảng tháng 11 hàng năm khi gió lạnh mùa đông bắt đầu thổi qua cao nguyên, trở thành nét đặc trưng thu hút sự chú ý của nhiều người. Một số địa phương ở Tây Nguyên xem đó như một điểm nhấn du lịch, trong đó có Gia Lai khuyến khích các địa phương của mình quảng bá sản phẩm đặc trưng đến đông đảo du khách. Chính vì thế Gia Lai có rất nhiều lễ hội, điển hình Lễ hội hoa Dã Quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Đây là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch lớn nhất của Gia Lai diễn ra thường niên ở xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh.
Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 11 – 17/11, trọng điểm là 3 ngày đầu, với chủ đề Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022. Theo Ban Tổ chức, lễ hội có hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên như trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Jrai, các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian…
Ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chư Păh, người đang tham gia chuẩn bị lễ hội tại Chư Đang Ya cho biết, địa bàn huyện có rất nhiều địa điểm có thể đẩy mạnh phát triển du lịch, nhưng ở Chư Păh có núi lửa Chư Đang Ya, nơi được Tạp chí Anh quốc bình chọn là 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới, với hoa dã quỳ đẹp nên huyện xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội hàng năm. Năm đầu tiên tổ chức cách đây 4 năm, đến nay thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến ngắm dã quỳ và tham quan núi lửa. Người dân đồng tình nhân rộng dã quỳ trên các bờ nương rẫy, không chặt phá tạo cảnh quan đẹp sau những nỗ lực tuyên truyền của huyện.
Nhớ mùa bằng lăng tím
Nhiều người say sắc dã quỳ và vẻ đẹp hoang sơ của ngọn núi lửa đã ngủ yên, đổ về Chư Đang Ya trước thềm lễ hội. Ai cũng chọn cho mình vị trí tự sướng, quay clip... đẹp nhất, làm tôi nhớ hình ảnh tương tự ở Bình Thuận trong năm qua. Nhiều người đổ về xã Hồng Liêm và núi Tàu, huyện Tuy Phong để chiêm ngưỡng sắc tím bằng lăng. Bình Thuận cũng có nhiều hoa bản địa đặc trưng như hoa giấy, hoa tràm, hoa bằng lăng... khoe sắc trong vẻ đẹp hoang sơ của biển cả, nhưng chưa loài hoa nào được tổ chức thành lễ hội làm phong phú thêm sản phẩm du lịch giống như ở Gia Lai.
Theo nguồn từ báo Gia Lai, ngoài Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai còn tổ chức Lễ hội hoa muồng vàng ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông; Lễ hội cỏ hồng ở huyện Đak Đoa... Điều này cho thấy Gia Lai đề cao tầm quan trọng của tiềm năng du lịch với các loại hình sản phẩm đặc trưng. Với phương châm từ huyện, thị đến xã, nơi nào có điểm đặc trưng gì có thể phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp, vì sức khỏe cộng đồng thì cứ phát triển để quảng bá danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử, các điểm đến du lịch, hình ảnh quê hương và con người Gia Lai. Qua đó kêu gọi đầu tư, từng bước phát triển các loại hình du lịch.