Đồng lòng chống tham nhũng

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:14, 16/11/2022

Những ngày qua, dư luận cả nước không khỏi bất ngờ trước thông tin báo chí đăng tải kết luận điều tra vụ nhận hối lộ của nguyên Bí thư và nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Nai. Bất ngờ là bởi cách thức nhận và sử dụng số tiền hối lộ 14,5 tỷ đồng của mỗi người từ Công ty AIC, để tác động trúng đấu giá các gói thầu mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Cùng thời điểm, một thông tin khác cũng làm dư luận cả nước “sửng sốt”, khi Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu - ông Châu Văn Mỹ bị cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bắt quả tang đang thực hiện hành vi nhận hối lộ tình dục và số tiền 100 triệu đồng, của một nữ bị cáo tại một nhà nghỉ, để phiên xử phúc thẩm do ông ngồi chủ tọa, bị cáo được hưởng án treo.

635327093.jpg
Ảnh minh họa

Nếu như hành vi của Bí thư và Chủ tịch Đồng Nai cùng những người liên quan nhận hối lộ trong thời điểm 2010, 2012 khi công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng chưa thật sự bùng cháy, thì việc Phó Chánh tòa án tỉnh - một người có vai trò bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, lại thực hiện hành vi ngay trong thời điểm mà phòng, chống tham nhũng đang được toàn Đảng thực hiện một cách quyết liệt, toàn diện nhất. Mục đích là làm trong sạch hệ thống bộ máy, trong đó vai trò và trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là đối với người đứng đầu được đặt ra như một giải pháp quan trọng, để ngăn chặn tham nhũng tiêu cực.

Còn nhớ giữa tháng 9 vừa qua, tại Bình Thuận, một vụ việc có liên quan đến tham nhũng cũng làm người dân không khỏi bức xúc, khi Cơ quan CSĐT khởi tố bắt tạm giam ông Trần Văn Thăng - quyền Đội trưởng Đội QLTT số 2 cùng thuộc cấp, khi nhận hối lộ của các doanh nghiệp khi kiểm tra nguồn gốc khoáng sản đất sét trong sản xuất gạch.

Câu hỏi đặt ra, đâu là nguyên nhân dẫn đến những người có chức vụ và quyền hạn, lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như vậy? Phải chăng vì thu nhập từ lương không đủ sống? Nếu nói về lương thấp là nguyên nhân của việc tham nhũng tồn tại như hiện nay, ở một góc độ nào đó cũng đúng. Tuy nhiên những trường hợp như trên, chắc chắn sẽ không phải do nguyên nhân từ lương, khi nhìn vào ô tô của Phó chánh án tỉnh đi đến nhà nghỉ lúc bị bắt, hay căn biệt thự của quyền Đội trưởng Đội QLTT sở hữu, khi cơ quan chức năng khám xét nhà. Có chăng nguyên nhân ở đây là do lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền và lợi ích cá nhân, suy thoái đạo đức.

Nói về công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng ta thời gian qua, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, trước hết có thể thấy đã có những bước chuyển mới rõ rệt, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể, quan trọng. Ý thức của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức người thực thi công vụ được nâng lên. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, tin tưởng Đảng tiếp tục là hạt nhân lãnh đạo đất nước vững mạnh hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, trong giai đoạn đất nước đang phát triển như hiện nay, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn sẽ còn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, mà hội nghị toàn quốc sơ kết 10 năm phòng, chống tham nhũng tiêu cực mới đây đã chỉ ra.

Từ thực trạng tồn tại trên, công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng vẫn phải được tiếp tục tiến hành và phải thật nghiêm minh để làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm. Đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không “cắt một vài cành sâu để cứu cả cây”.

Để có phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ngoài cả hệ thống chính trị vào cuộc, thì nhân dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Một điều đáng mừng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực, là thời gian gần đây, nhân dân và những người trong cuộc đã mạnh dạn hơn khi đứng ra tố cáo và phối hợp xử lý, để vạch trần bộ mặt những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà 2 vụ việc xảy ra ở Bạc Liêu và Bình Thuận nêu trên là điển hình. Đây điều đáng khích lệ và cần nhiều hơn nữa những vụ việc như thế trong thời gian đến, để làm bài học răn đe, cảnh tỉnh. Có sự chung tay như vậy, tham nhũng mới hết đất dung thân, để người thực thi công vụ mới làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, vì dân phục vụ, để mang lại một cuộc sống công bằng và văn minh.

Trần Huỳnh