Gắn chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” để xuất khẩu nước mắm
Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 16/11/2022
Bước đầu xuất khẩu
Nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở thành phố biển Phan Thiết đã ra đời trên 200 năm nay. Vào vụ chượp cá, tại mỗi thùng lều, người làm trộn đều theo tỷ lệ: 3 cá + 1 muối rồi đổ vào đầy thùng chứa chượp, gài nén, ủ từ 9 - 12 tháng mới kéo rút nước mắm. Quy trình chế biến khép kín, kỹ càng như thế nên thường cho ra lò sản phẩm nước mắm thơm ngon, có độ đạm cao (40 độ N cùng các loại khác: 30, 20, 10 độ N). Chính thương hiệu nổi tiếng này, từ năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 364/QĐ-SHTT, đến năm 2020 đã được Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi thông tin là Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Phan Thiết cho sản phẩm nước mắm. Sở cũng đã phối hợp sở, ngành liên quan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nước mắm tại 3 nước: Campuchia, Mỹ, Thái Lan. Cùng với đó, đến nay, 63 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm đủ điều kiện đã được Sở KH & CN cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm. Đây cũng như "giấy thông hành" cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sở KH & CN cho hay, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 104.000 tấn nước mắm được xuất khẩu dưới các dạng khác nhau, doanh thu hơn 276.000 USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm. Điển hình như Công ty cổ phần Lavela chi nhánh Bình Thuận có nhà máy chế biến nước mắm tại KCN Hàm Kiệm 1, áp dụng quy trình công nghệ Nhật để sản xuất nước mắm không mùi, thành phần được khử mùi qua hệ thống sinh học, hệ thống vô trùng. Ông Trần Viết Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Lavela chi nhánh Bình Thuận cho hay: “Điều thuận tiện nhiều cơ sở sản xuất nước mắm tại Cụm công nghiệp Phú Hài sản xuất nước mắm truyền thống Phan Thiết thơm ngon. Công ty hợp đồng thu mua một số cơ sở, vận chuyển về nhà máy khoảng cách gần. Với công nghệ hiện đại, như máy tiệt trùng công suất 15.000 lít/h, 24.000 lít/h, nhà máy chế biến nước mắm không mùi, nhưng vẫn giữ được độ ngon nước mắm Phan Thiết, phục vụ xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư 6 dòng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Phan Thiết, hàm lượng từ 15 độ đạm trở lên, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trong, ngoài nước như Nhật Bản”. Trong khi đó, DNTN nước mắm Mai Hương hợp đồng đơn vị liên quan đang xúc tiến xuất khẩu 100.000 lít nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phan Thiết sang thị trường Philippines cuối năm nay… Tuy nhiên, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết nhìn nhận, số lượng xuất khẩu hàng năm chưa nhiều.
Phát triển chỉ dẫn địa lý
Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH & CN cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các tổ chức, cá nhân sản xuất nước mắm cần tạo dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý trở thành một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn; hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Sở KH & CN hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm tiếp cận, thực hiện hiệu quả các chính sách khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho nước mắm; việc cấp phát, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín thương hiệu nước mắm “Phan Thiết”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý nước mắm “Phan Thiết” trong và ngoài nước.