La Gi: Vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 17/11/2022
Không chỉ vậy, công tác tuyên truyền cũng như việc ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài khai thác hải sản trái phép được chính quyền La Gi thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên La Gi vẫn là một trong những địa phương có nhiều tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.
Khó quản lý tàu hoạt động ngoài tỉnh
Từ năm 2019, Đồn Biên phòng phường Phước Lộc, UBND các xã, phường đã tổ chức điều tra, rà soát, thống kê tàu cá nghề câu của thị xã thường xuyên neo đậu, hoạt động tại vùng biển ngoài tỉnh có nguy cơ cao khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Năm 2019 có 7 tàu, năm 2020 14 tàu, năm 2021 có 4 tàu và năm 2022 có 14 tàu. Tuy nhiên, việc quản lý tàu cá thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả 2 đầu nơi đi và nơi đến. Công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá hoạt động ngoài tỉnh chưa tốt, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm đối với các tàu cá này.
Do đó, từ năm 2019 đến nay, La Gi vẫn là 1 trong những địa phương có số tàu cá vi phạm nhiều nhất tỉnh. Năm 2019, thị xã xảy ra 5 tàu/32 ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (Malaysia bắt giữ 3 tàu/20 ngư dân phường Phước Hội; Thái Lan bắt giữ 2 tàu/12 ngư dân phường Phước Lộc, xã Tân Tiến). Năm 2020, không có tàu thuyền vi phạm. Năm 2021, xảy ra 2 tàu/13 ngư dân phường Phước Hội bị Malaysia bắt giữ. Từ đầu năm đến nay, lại xảy ra 3 tàu/19 ngư dân phường Phước Hội, xã Tân Phước bị Malaysia bắt giữ. Đáng chú ý, các trường hợp tàu cá bị bắt năm 2022, thì có 2 tàu cá có chiều dài dưới 15m, không thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp đặt VMS và thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh, ít khi về địa phương nên khó khăn cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá.
Tất cả các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ sau khi được thả về đều bị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt nghiêm đối với thuyền trưởng với mức xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, việc chấp hành các quyết định xử phạt này còn chưa nghiêm túc (tất cả các trường hợp đều chưa nộp phạt), hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Nguy cơ thuyền trưởng tái phạm cao
Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, UBND phường Phước Hội, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã làm việc với 5 trường hợp gia đình chủ tàu bị lực lượng Malaysia bắt giữ để lấy lời khai, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính sau khi được lực lượng nước ngoài thả về, công khai danh sách các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tại cộng đồng dân cư có tàu cá vi phạm. Ngoài ra, UBND tỉnh đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ chi phí chuyến biển trên các vùng biển xa đối với tàu cá vi phạm có chiều dài từ 15m trở lên theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồn Biên phòng Phước Lộc đã hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 1 chủ tàu (kiêm thuyền trưởng) là ông Trần Văn Phương (phường Phước Hội) vi phạm vùng biển nước ngoài đã được lực lượng nước ngoài thả về. Đồng thời, báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo yêu cầu của UBND thị xã xử lý nghiêm chủ tàu cá, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2022. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã rà soát, xác minh, mở hồ sơ theo dõi, quản lý 20 tàu cá trong diện nguy cơ cao và rất cao có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo UBND thị xã La Gi, không chỉ ông Phương là thuyền trưởng tái phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, mà 2/3 trường hợp trong năm 2022 cũng là tái phạm. Qua đó cho thấy, một số lao động từng vi phạm vùng biển nước ngoài (thuyền trưởng, lao động bị nước ngoài bắt giữ, trả về trước đây) vẫn tiếp tục đi biển, việc quản lý các đối tượng này chưa chặt chẽ nên nguy cơ tái phạm rất cao, đã ảnh hưởng đến nỗ lực chung công tác chống khai thác IUU của thị xã. Vì lợi ích kinh tế của bản thân, gia đình, một số ít ngư dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật cố tình vi phạm pháp luật, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng tàu cá khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến phát sinh nhiều tàu cá hoạt động nhưng không thực hiện quy định về điều kiện hành nghề (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản), vi phạm khai thác IUU, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.
Để chấm dứt tình trạng này, cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), cả hệ thống chính trị của thị xã La Gi bằng nhiều biện pháp, đẩy mạnh và duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, nhất là các tàu cá câu khơi thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Các lực lượng chức năng và UBND các xã, phường tăng cường làm tốt công tác nắm tình hình; lập danh sách tàu cá nằm trong diện nguy cơ cao để bố trí lực lượng từng địa bàn theo dõi nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ đầu, không để xảy ra vi phạm...