Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để khơi dậy khát vọng cống hiến
Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 29/09/2022
Trong Kết luận số 14-KL/TW, cần lưu ý có 2 yếu tố “Dám nghĩ, dám làm trong quy định; dám nghĩ, dám làm chưa có trong quy định”. Nếu sai phạm, thiếu sót trong dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì phải bảo vệ cán bộ…; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm chứ không phải không làm gì để không ảnh hưởng đến ai, không tạo sự năng động cho cán bộ. Muốn nhận diện đâu là điểm nghẽn, đâu là nút thắt, có nhiều kênh, trong đó cần chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân - điều này cực kỳ chính xác và quan trọng để tháo gỡ, điều chỉnh. Từ thực tiễn sinh động của đất nước, của cuộc sống đã tạo nên sự sáng tạo để có được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong quản lý nhà nước, trong công tác xây dựng Đảng, tất cả vì lợi ích nhân dân.
Thật vậy, trong nhận thức và hành động, mọi sự đổi mới, sáng tạo phải xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi, cấp thiết của thực tiễn. Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không phải là làm liều, làm không có tính toán, cố ý làm sai mà phải có trăn trở trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Do đó, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy định của Điều lệ Đảng. Chính việc được cơ quan có thẩm quyền thông qua trước khi triển khai đã là lớp bảo vệ đầu tiên cho ý tưởng đổi mới.
Sau khi ý tưởng được triển khai, phải thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra của cấp thẩm quyền, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện vấn đề, kịp thời uốn nắn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh để hạn chế sai sót, vi phạm theo Kết luận số 14 là rất quan trọng, có như vậy những ý tưởng, giải pháp, đề xuất sáng tạo, đột phá của cán bộ vừa được thực thi vừa được bảo vệ bằng cơ chế, bằng pháp luật.
Song, một vấn đề hết sức quan trọng luôn được đặt ra và nhắc đến khi đề cập đến việc bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đó là cơ chế bảo vệ. Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc rằng, tổ chức muốn bảo vệ cán bộ thì không thể bảo vệ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Và như vậy, đội ngũ cán bộ và người dân đang rất mong chờ thể chế hóa kết luận này.
Trong lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời, Kết luận số 14 cũng nêu rõ, cấp ủy, người đứng đầu không chỉ khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách… mà còn tạo điều kiện để cho những thí điểm đột phá, sáng tạo nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không hoặc chưa phù hợp với thực tiễn được triển khai. Qua đó, kịp thời phát hiện sớm và uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm nếu có. Tập trung đổi mới, sáng tạo trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung… Để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến tinh thần đổi mới hết lòng vì nhân dân của đội ngũ cán bộ.