Kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 21/11/2022
Kinh tế phục hồi khá sớm trên cả 3 trụ cột
Năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid – 19, giá cả hàng hóa nhất là giá xăng, dầu tăng cao… đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Du lịch phục hồi nhanh sau dịch Covid -19 (Ảnh T.Duyên)
Kết quả nổi rõ là kinh tế phục hồi khá sớm trên cả 3 trụ cột: Về công nghiệp, du lịch và nông nghiệp; trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid - 19 cũng đã có bước phục hồi nhanh. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tăng 7,3% (trong đó dịch vụ tăng 13,87%). Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước thực hiện 38.739 tỷ đồng, tăng 8,11% so năm trước. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng ấn tượng 16,39%. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, đàn gia súc, gia cầm phát triển. Hoạt động du lịch sôi động trở lại sau dịch Covid -19, dự ước trong năm 2022 đón 5.720 ngàn lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch 13.680 tỷ đồng, gấp 3,29 lần so năm trước.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 829,4 triệu USD, đạt 113,9 kế hoạch, tăng 28,87%, kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với năm trước (tăng 23,09%). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 giảm nhẹ so với năm trước ước đạt 11.300 tỷ đồng, đạt 133,13% dự toán; trong đó thu nội địa 10.000 tỷ đồng, đạt 139,12% dự toán. Thu hút đầu tư phát triển có sự phục hồi, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm kế hoạch đề ra (dự ước cả năm giải ngân đạt trên 95% kế hoạch)...
Tuy nhiên, năm 2022 còn những khó khăn, đó là yếu tố đầu vào, giá cả nông sản bấp bênh người dân khó khăn cắt giảm diện tích, sản lượng lương thực giảm nhẹ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá cả vật tư, xăng, dầu tăng cao. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Mặc dù du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước với quốc tế, khách quốc tế giảm sâu do tác động tình hình thế giới...
Bình Thuận đăng cai năm du lịch quốc gia năm 2023 dự báo khách trong nước và quốc tế tăng cao hơn (Ảnh Đ.Hòa)
Động lực, dư địa phát triển ngành du lịch, dịch vụ
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, UBND tỉnh đề ra mục tiêu là tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 7,2%.
Hoạt động phục vụ du lịch dự báo phát triển năm 2023 (ảnh Đ.Hòa)
Phân tích tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022, ông Phạm Quốc Hùng – Cục trưởng Cục Thống kê đưa ra dự báo của năm 2023: Về tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường về an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng theo xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái nền kinh tế và các rủi ro tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Còn trong nước thì nền kinh tế có những thời cơ thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng. Giá nhiều vật tư đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục có xu hướng tăng, các thị trường xuất nhập khẩu lớn tiếp tục bị sức ép… Ngoài tác động vĩ mô, những khó khăn nội tại của tỉnh như chất lượng tăng trưởng, năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế… cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.
Cụ thể trên từng lĩnh vực, ông Phạm Quốc Hùng phân tích và đưa ra dự báo: Lĩnh vực nông nghiệp thời tiết thuận lợi nhưng những yếu tố rủi ro về thiên tai là rất lớn. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác hải sản có nhiều chuyển biến hơn, dự báo xăng dầu có nhiều biến động nhưng khả năng hạ nhiệt hơn; Sản xuất tiêu thụ thanh long, cao su dự báo cải thiện hơn. Trên cơ sở đó ngành thống kê tính ra giá trị tăng thêm khu vực này từ 2,5-2,8%.
Đối với khu vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo dự báo đà tăng trưởng chậm lại vì những yếu tố động lực lớn không còn nhiều. Các công trình đầu tư lớn triển khai làm vốn đầu tư tăng lên đối với ngành xây dựng… dự báo giá trị tăng thêm 8-9,5%. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, dịch vụ du lịch phục hồi, lượng khách quốc tế dự báo tốt hơn năm 2022. Đặc biệt, năm 2023 Bình Thuận đăng cai năm du lịch quốc gia dự báo khách trong nước và quốc tế tăng cao hơn. Theo đó, kèm theo một số hoạt động phục vụ du lịch phát triển theo, sức mua người dân tăng lên đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng cao. Khu vực dịch vụ còn động lực, dư địa phát triển nên dự báo giá trị tăng thêm 8-8,7%. Về dự báo GRDP năm 2023 tăng 7- 7,2%.