Những cây trồng, vật nuôi lợi thế trên đất Sông Lũy

Kinh tế - Ngày đăng : 08:42, 20/08/2018

BT- Phát triển nuôi tôm càng xanh, trồng các loại cây ăn quả là những định hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã Sông Lũy (Bắc Bình).

Là địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Bình, nhất là sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, tuy nhiên, thiên nhiên cũng ưu đãi cho vùng đất cát, dồi dào mạch nước ngầm này những lợi thế không phải nơi nào cũng có. Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh như một minh chứng, bởi tôm càng xanh khi thử nghiệm nuôi tại một số vùng trong tỉnh thì chỉ có hộ ông Lê Tấn Dư (thôn Suối Nhum) cho năng suất cao nhất, mở ra thêm một đối tượng nuôi triển vọng.

                
Mô hình nuôi tôm càng xanh của hộ ông Dư.

Nằm sát quốc lộ 1A, nhưng khi vào vườn ông Dư tham quan mô hình của lão nông “hay lam hay làm” có tiếng ở xã ai cũng phải tấm tắc khen. Khuôn viên vườn trải dài tít tắp hơn cả chục ha. Nguồn nước tại vườn khá dồi dào với những chiếc ao đào đón mạch nước nhỉ dự trữ. Nhờ vậy, quanh năm ông Dư không phải lo nước tưới cho cây trồng tại vườn, ngay cả hạn hán gay gắt nhất. Khá nhạy bén và dạn dày kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, cộng với lợi thế mạch nước nhỉ tại ao vườn nhà, nhiều năm liền ông Dư thử nghiệm nuôi nhiều loại như cá diêu hồng, cá rô phi nhưng chưa có sự đột phá. Thế nhưng, khi thử nghiệm với giống tôm càng xanh lại “hít”, ông đầu tư mở rộng bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đầu ra ổn định.

Ông Dư nói: “Giống tôm càng xanh gia đình nuôi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao. Ban đầu tham gia mô hình khảo nghiệm tôm càng xanh trên diện tích tích ao 3.500m, thả 35.000 con giống được hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí mua thức ăn. Sau khi tổng kết mô hình được đánh giá hiệu quả, tôm đạt chất lượng cộng thêm nắm được quy trình, kỹ thuật nuôi, hiện tôi mở rộng thêm diện tích ao nuôi và quyết tâm nuôi thành công con tôm này”. Tôm càng xanh thương phẩm hiện có giá bán 500.000 đồng/ kg. Ông Dư cho biết hiện tôm của gia đình ông không đủ bán cho thị trường tiêu thụ tại địa phương. Trong buổi tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh mới đây, sau khi trò chuyện với ông Dư về cách nuôi, lợi nhuận kinh tế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã yêu cầu xã Sông Lũy đánh giá hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật khuyến khích bà con nhân rộng để cải thiện thu nhập.

Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Sông Lũy Đỗ Thanh Hùng về các loại cây trồng chủ lực ở xã, ông cho hay: Triển vọng nhất hiện nay là các loại cây ăn quả, địa phương định hướng nông dân phát triển diện tích cây ăn quả xoài da xanh, mít Thái, các loại cây có múi với diện tích 220 ha. Vùng cây ăn quả này trồng dọc kênh Châu Tá 812 được khoảng 4,5 năm tuổi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhờ xử lý công nghệ ra hoa trái vụ. Tận dụng nguồn nước dồi dào của kênh Châu Tá, sông Cà Tót để tưới diện tích cây ăn quả và xứ đồng Sông Khiêng, Tú Sơn, nhờ vậy mà 700 ha đất ruộng gò trước đây bỏ hoang nay đã “hồi sinh” sản xuất trở lại. “Thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích bà con trồng cây ăn quả ở vùng núi đá Khò Khè, hố Bom, Za Bay hết diện tích 40 ha còn lại. đồng thời sẽ kêu gọi đầu tư cây ăn quả công nghệ cao, vùng cát dọc kênh Chính Tây (186 ha)” - Chủ tịch xã Đỗ Thanh Hùng cho biết.

Thanh Duyên