Cơ hội mới cho thanh long Bình Thuận xuất khẩu?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:03, 23/11/2022
Đáng chú ý, giữa 2 nước đã bàn bạc, thảo luận, đi đến thống nhất ký kết nhiều văn kiện về hợp tác, thương mại, trong đó có lưu thông hàng hóa giữa 2 nước, có thể phát triển tích cực.
Báo chí trong nước đưa tin, Việt Nam đề nghị Trung Quốc duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, tăng cường hợp tác vận tải bằng hàng không, đường bộ, đường sắt... Phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, tăng cường kết nối giữa 2 nước và cùng xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững…
Điều này sau đó đã được cụ thể hóa trong Tuyên bố chung 2 nước khi nhất trí bảo đảm thông quan hàng hóa, thống nhất phát huy vai trò của cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng chống dịch, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu…
Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước, với gần 30.000 ha. Theo Sở Công Thương tỉnh, trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu chính ngạch do các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện 8,3 triệu USD, tương đương 5.560 tấn thanh long tươi. Trong 9 tháng năm 2022 thực hiện trên 6 triệu USD, tương đương 5.781 tấn thanh long tươi. Riêng xuất khẩu biên mậu, từ năm 2016 đến nay, thanh long Bình Thuận chủ yếu được các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển thông qua các cặp cửa khẩu biên giới phía Bắc để tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc (khoảng 70-80%). Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung khá lớn (khoảng 1.000.000 tấn/năm). Riêng 9 tháng của năm 2022, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc chỉ đạt 160.230 tấn, chủ yếu là thanh long Bình Thuận.
2. Hiện nay tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thanh long xuất khẩu trong tỉnh có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Doanh nghiệp không còn hàng hóa bị ùn ứ ở cửa khẩu, giá bán thanh long dù chưa ổn định, có trồi sụt lên xuống (trong khi sản lượng trái không nhiều) nhưng vẫn đang ở mức khá cao. Theo đó những ngày qua, thanh long ruột trắng nghịch vụ được thương lái thu mua tại vườn dao động ở mức 9.000 – 12.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ trên 20.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, so với mức giá trên sau khi hạch toán nông dân vẫn thu lợi nhuận. Tại Hàm Thuận Nam - thủ phủ thanh long của tỉnh, trong 2 năm qua do dịch Covid-19 nên chỉ có 30 - 70% doanh nghiệp hoạt động với sản lượng thu mua không nhiều. Nguyên nhân do hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông quan chậm, liên tục bị ùn ứ, tồn đọng, đôi lúc phải đổ bỏ ở cửa khẩu. Thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng này dường như không còn tái diễn, thông quan xuất khẩu thanh long được rút ngắn, thông suốt. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam nhận định, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn mở cửa hoạt động trở lại, giá cả thu mua thanh long tăng so với trước, do nhà vườn áp dụng sản xuất rải vụ cũng như kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc khởi sắc.
Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng cho rằng, ngoại giao hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc thành công không chỉ góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống lên tầm cao mới mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Tại Bình Thuận, hơn 80% sản lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho thấy cơ hội mới cho thanh long xuất khẩu được mở ra. Quan trọng là nông dân, doanh nghiệp cần tranh thủ vận dụng cơ hội này để đưa nông sản có chất lượng xuất khẩu nhằm mang lại giá trị kim ngạch gia tăng. Đồng thời, quan trọng hơn hết là đảm bảo yêu cầu rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu.