Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo cơ hội phát triển du lịch

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:34, 23/11/2022

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa. Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Bảo tồn giá trị di sản văn hóa

Mỗi di sản văn hóa tồn tại đến hôm nay đều ẩn chứa vô vàn những giá trị về lịch sử, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng. Dù di sản văn hóa vật thể hay di sản văn hóa phi vật thể, đều được kết tinh từ quá trình con người ứng xử với thiên nhiên, với xã hội và với chính mình. Nhìn vào đó sẽ thấy được nội lực, tư thế của con người, những chặng đường biến thiên của lịch sử.

don-nhan-bang-di-tich-dinh-thay-thim.-dinh-hoa.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh trao quyết định của Bộ VHTTDL đưa lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh Đình Hòa)

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng 28 di tích, danh thắng quốc gia và 44 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Đến nay công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích về cơ bản được thực hiện đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Quyết định số 56/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban quản lý di tích và quy chế quản lý, hoạt động của ban đối với các di tích quốc gia và cấp tỉnh. Nhờ vậy, không để xảy ra các hành vi vi phạm di tích. Kịp thời đề xuất, đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo 25 di tích, danh thắng quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và kinh phí xã hội hóa do nhân dân đóng góp.

Cho đến nay, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Bình Thuận là 117 di sản. Trong đó có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử các tỉnh phía Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Việc truyền dạy trong cộng đồng luôn được các chủ thể văn hóa quan tâm, chú trọng đúng mức để tạo nên một sự kết nối trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy. Vì thế, nguy cơ bị thất truyền, mai một, biến thể di sản văn hóa phi vật thể được hạn chế.

Cùng với đó, địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng. Tính đến thời điểm hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm gần 30.000 hiện vật gốc gồm nhiều chủng loại như hiện vật văn hóa các dân tộc, hiện vật khảo cổ, trục vớt từ các con tàu cổ đắm trên vùng biển Bình Thuận và Cà Mau, hiện vật kháng chiến, tài nguyên khoáng sản, các sản phẩm ngành nghề truyền thống… tổ chức trưng bày chuyên đề tại 2 địa điểm là Nhà Trưng bày Bảo tàng ở TP. Phan Thiết và Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm ở huyện Bắc Bình…

img_1203.jpg
Du khách tham quan Tháp PoSahIư

Cơ hội phát triển du lịch từ di sản

Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và những trải nghiệm đáng giá cho du khách. Qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch.

Rõ nhất, mới đây Lễ hội Dinh Thầy Thím đã thu hút khoảng 500.000 lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Đây là lễ hội duy trì và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím hơn 140 năm qua. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng đến nay lễ hội vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ tạo nên một không gian linh thiêng, cùng với các trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn đậm chất miền biển. Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của người dân nhiều tỉnh, thành phố lân cận ở khu vực phía Nam.

img_1272.jpg
Lễ hội Katê

Hay như Lễ hội Cầu ngư hàng năm luôn được đông đảo người dân trong và ngoài địa phương quan tâm. Dù thời thế có thay đổi, nhưng sự thành kính, thiêng liêng, khói hương, vật phẩm, nghi lễ của cư dân miền biển đều được duy trì thực hiện chu đáo, cẩn thận. Đó còn là dịp để cộng đồng cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp, chỗ dựa tinh thần của con người.

Trên con đường khám phá du lịch và di sản văn hóa Bình Thuận, còn rất nhiều di tích, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng đang được người dân lưu giữ, trình diễn, bảo vệ. Trong đó có nhiều địa điểm đã khai thác xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh như Khu du lịch núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), điểm kết nối Khu di tích chùa Cổ Thạch – đình Bình An - lăng ông Nam Hải (Tuy Phong), chùa Ông (TP. Phan Thiết), đền thờ công chúa Bàn Tranh (Phú Quý)… Hơn thế, từ việc gắn kết di sản văn hóa với kinh tế du lịch nhiều loại hình diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dòng họ, tộc người đã được hồi sinh. Đóng góp không nhỏ để du lịch Bình Thuận đạt con số gần 4 triệu lượt vào 9 tháng đầu năm và doanh thu đạt trên 9.200 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, việc tham quan, trải nghiệm, thụ hưởng giá trị di sản của du khách sẽ mang theo nhiều lợi ích cho cộng đồng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tạo việc làm, cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh. Từ đó thôi thúc chính quyền và người dân địa phương biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của ông cha để lại.

Thùy Linh