Sắc xuân ở La Ngâu
Xã hội - Ngày đăng : 19:42, 12/11/2022
Con sông, con suối không ngăn được bước chân gầy, vì nhiều yếu tố đã kéo chân lữ khách. Từng đoàn nối tiếp từng đoàn… không biết tự bao giờ mà những tốp người đa số là thanh niên trai trẻ hăm hở cõng ba lô trên lưng tìm về nơi hoang sơ kỳ bí - xã vùng cao La Ngâu.
La Ngâu đất rộng người thưa. Trong kháng chiến chống Pháp, La Ngâu có tên Đại Hòa, đa số đồng bào dân tộc K’ho. Vốn có thành tích trong hai cuộc kháng chiến nên xã được phong danh hiệu Xã Anh Hùng vào năm 1998. Giờ đây, du khách tìm về La Ngâu không chỉ vì những chuyện “cổ tích” đó. Hiện đại, hấp dẫn hơn là chuyện những dòng sông, con thác có tuổi tên ghi dấu ấn rõ ràng. Sông La Ngà như chàng trai hào phóng với sải tay dài trên 270 km từ cao nguyên Di Linh bơi qua các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận rồi dừng lại ở hồ Trị An. Từ đây Tánh Linh như được hưởng duyên hơn 50 km tạo nên hình ảnh thơ mộng diễm tình về “truyền thuyết một dòng sông”. La Ngâu có suối Búng Bò, có cả Thác Mai, sông Tà Mỹ… Công trình thủy điện La Ngâu, công trình thủy lợi Tà Pao hiện đang được xây dựng trên đoạn sông giàu tiềm năng này. Cũng cần “khoe” thêm đôi chút khi cụm công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đã xây dựng xong với công suất 300MW, tạo nên diện tích mặt hồ rộng 2.500 ha. Nơi đây hiện là một trong những “vương quốc cá tầm” ở Việt Nam, có người còn gọi âu yếm là Nàng Tiên Cá ngủ trong rừng. Dân số La Ngâu lúc đó chỉ có 800 người, hiện nay hơn 2.800 người. Năm 1977, bà con từ vùng căn cứ địa cách mạng trên núi xuống định canh định cư ở đồng bằng. Cuộc sống bà con từng bước thay đổi dần. Từ làm 1 vụ lúa tiến lên 3 vụ một năm, ngoài ra còn xen canh trồng rau màu. Chưa kể một số bà con còn nhẫn nại kiên trì “cõng” các cây cao su, tiêu, điều, cà phê... về. Khi Nhà nước có chủ trương đền bù cho dân để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh thì nhiều hộ gia đình đã thực sự đổi đời, xây nhà mới, mua ô tô, phương tiện để sản xuất tăng gia như máy cày, máy nổ... Nhưng điều đáng nói, bà con nơi đây rất tích cực tự chuyển đổi cho mình, đã mạnh mẽ hòa mình vào dòng sông chảy xiết...
Người dân tộc K’ho chiếm đa số so các dân tộc Rắc Lay, Ê Đê, Chăm... sự tương thân tương trợ ở từng thôn, bản ngày càng rõ nét. Ngày hội Đoàn kết các dân tộc, bà con tham dự chật cả hội trường, đại biểu lắng nghe ý kiến nguyện vọng của bà con. Không khí lễ hội tưng bừng. Các cụ ông, cụ bà hào hứng hát những bài như Cô gái mở đường, Cô gái vót chông, Anh quân bưu vui tính, Lá đỏ, Đất nước... Tình đoàn kết của người dân nơi đây thể hiện rõ nét từng thôn, từng bản. Họ quấn quýt, kề cận dìu dắt nhau cùng phát triển kinh tế- xã hội.
Cuối thu, trời chuẩn bị vào đông, nhưng sắc xuân đã chạy tới La Ngâu, không chỉ là hoa cỏ, cây trái... mà còn thêm tình và lòng người nơi vùng đất bán sơn bán địa này...