Dự án “treo” liệu có hết “treo”?

Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 25/11/2022

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều dự án chậm tiến độ (dự án treo) gây lãng phí đất đai, đặc biệt làm đảo lộn nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân. Đứng trước nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai hiện hữu đòi hỏi tỉnh cần phải vào cuộc để xử lý triệt để vi phạm, khắc phục những tồn tại, bất cập về quản lý.

Dự án “treo” gây lãng phí

Vấn nạn quy hoạch treo tại nhiều địa phương trong tỉnh gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân. Mới đây, nhiều cử tri ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết lại tiếp tục kiến nghị “Dự án Khu dân cư Tam Biên trước Nhà văn hóa khu phố 14, phường Phú Thủy có còn quy hoạch nữa không?”. Dự án Khu dân cư Tam Biên được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 557 ngày 11/5/2001 về việc giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bình Thuận (nay là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận) để xây dựng Khu dân cư Tam Biên tại phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết.

z3905680339175_6f1a4e75478c8a3966d9dc77bf18478a.jpg
Ảnh minh họa.

Ông N.V.H (khu phố 14, phường Phú Thủy) kể, căn nhà của ông có diện tích 100m2, đã xuống cấp trầm trọng nhưng giờ không thể sửa chữa, xây mới vì vướng vào quy hoạch. “Do nhiều hộ dân chưa thống nhất về giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên không đồng ý nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng để thi công công trình. Vì lẽ đó, mà chúng tôi cứ phải sống vất vưởng trong căn nhà xuống cấp”, ông H chia sẻ.

Đề cập tới vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là các dự án treo, quy hoạch treo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đây là “sự lãng phí vô cùng lớn”. Lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng, sự lãng phí to hơn, lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước. “Những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân!”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.

Thời gian qua, công tác rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, dự án chậm triển khai thường xuyên được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các địa phương cũng tích cực rà soát các quy hoạch chậm triển khai để đề xuất hủy bỏ hoặc điều chỉnh phù hợp với những chủ trương, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới của địa phương, đảm bảo phục vụ lợi ích của cộng đồng, quốc phòng và an ninh; thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả sử dụng đất tại đô thị.

Qua tổng hợp nội dung rà soát, vẫn còn nhiều dự án treo, chưa được triển khai. Cụ thể, có nhiều dự án treo về các quy hoạch phân khu thuộc địa bàn TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam. Về các quy hoạch chi tiết của dự án khu dân cư, hiện có 16 dự án đã được triển khai lập quy hoạch chi tiết nhiều năm qua nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện theo quy hoạch hoặc quá trình triển khai kéo dài nhiều năm (chưa dứt điểm). Mặt khác cũng có nhiều dự án về các hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, khu sản xuất dịch vụ và các khu đất chức năng quan trọng theo định hướng quy hoạch, như: Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư) thuộc phường Xuân An, TP. Phan Thiết và một phần xã Hàm Liêm, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Trường Đại học Bình Thuận tại xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết; Khu đất quy hoạch Bến xe khách trung tâm của tỉnh tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết…

Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Thuận, nguyên nhân dẫn đến các dự án, quy hoạch treo chậm triển khai là do các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến quy hoạch của các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo; chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt. Việc lập quy hoạch còn máy móc, chưa linh hoạt, chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin hiện trạng và thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác, dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác, chưa sát với thực tế và nhu cầu thị trường, dẫn đến quy hoạch làm ra nhưng không khả thi. Bên cạnh đó, một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời công bố, công khai thông tin quy hoạch. Công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng của các địa phương chưa chặt chẽ. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn trì trệ, kéo dài, chưa quyết liệt, không dứt điểm. Nguồn nhân lực không đủ và năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra giám sát còn nhiều hạn chế…

Theo đó, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, như: Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc lập, thẩm định, xét duyệt, công bố quy hoạch gắn liền với kế hoạch thực hiện của các cấp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình thực hiện các giai đoạn của kế hoạch, dự án. Thực hiện đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác; đảm bảo tính thống nhất cao, làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng sau này; tránh điều chỉnh quy hoạch nhiều lần gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường xây dựng, củng cố bộ máy quản lý với những cán bộ công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị; trọng dụng người có tài năng, kịp thời có hình thức xử lý những cán bộ vi phạm, thoái hóa về đạo đức. Và quan trọng là nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác đảm bảo trật tự đô thị.

Nếu như các giải pháp đưa ra được thực hiện một cách hiệu quả, quyết liệt để chấm dứt tình trạng dự án treo, chắc chắn sẽ mang lại niềm tin cho người dân. Từ đó, các quyết sách lớn của địa phương sẽ được thực thi một cách thuận lợi nhất. Hơn nữa chính quyền không còn bận lòng với quy hoạch treo.

Ngọc Diệp