Vắc xin phòng Covid-19: Giảm nguy cơ chuyển nặng với các biến thể

Y tế - Ngày đăng : 05:40, 25/11/2022

Bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến không ổn định, khó dự báo. Tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm tuổi ở Bình Thuận thì còn thấp so với mức bình quân chung cả nước.

Thấp ở các nhóm tuổi

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã chiếm ưu thế ở một số tỉnh, thành và đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.75. Một số tỉnh hiện có tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi, người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Đó là thông tin của Bộ Y tế.

tiem-tre-1.jpg
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ

Tại Bình Thuận, tính đến 13/11/2022, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều cơ bản cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 50,5% thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước 62,9%. Với mũi nhắc lại (mũi 3), học sinh từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt 45,6% thấp hơn tỷ lệ bình quân của khu vực miền Trung 50,4% và cả nước 64,9%. Riêng nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1- mũi 3 đạt 67,7%, cũng thấp hơn tỷ lệ bình quân của khu vực miền Trung 69,8% và cả nước 78,6%. Như vậy, Bình Thuận hiện chưa đạt chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm tuổi. Nguyên nhân là do người dân trì hoãn, tâm lý ngại về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin, thậm chí còn chủ quan cho rằng dịch Covid -19 đã khống chế nên không lo.

Theo Sở Y tế Bình Thuận, thời gian gần đây, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cho các nhóm tuổi theo quy định rất thấp, có nguy cơ tồn vắc xin hết hạn sử dụng, gây lãng phí. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến không ổn định, khó dự báo. Bên cạnh đó, là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong thời gian tới. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho các nhóm tuổi theo quy định. Tiêm vắc xin mũi nhắc không có tác dụng phụ như những thông tin truyền miệng nhau.

Đẩy nhanh việc tiêm chủng

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định: Các vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2. Vì vậy, tổ chức này kêu gọi các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó. Và tiêm vắc xin mũi tăng cường, mũi nhắc lại cho các nhóm tuổi giúp tăng cường khả năng miễn dịch nhằm chống lại Covid-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Trước tình hình tỷ lệ tiêm mũi nhắc thấp, dịch Covid-19 diễn biến khó lường trước, số ca mắc Covid-19 vẫn ghi nhận mỗi ngày dao động 10 ca tại tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và liều nhắc lại nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, cũng như đảm bảo sử dụng hiệu quả, hết số vắc xin đã được phân bổ có hạn sử dụng đến ngày 30/11/2022, tránh tình trạng vắc xin tồn hết hạn sử dụng.

Cùng với đó, UBND các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan, phối hợp với trung tâm y tế rà soát, thống kê, đăng ký nhu cầu số lượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2023, gửi về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế. Các trường học phối hợp với các đơn vị rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ để tổ chức các điểm tiêm. Đồng thời, vận động các phụ huynh học sinh đồng ý cho con tham gia tiêm chủng để tăng tỷ lệ bao phủ, duy trì hiệu quả miễn dịch phòng bệnh của vắc xin để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường.

Các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền về hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19; lập danh sách những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thân đủ điều kiện tiêm tham gia đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

TRANG MINH