Nhớ điệu múa sạp rộn ràng

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:52, 25/11/2022

Chặng đường gần nửa thế kỷ là dịp để mỗi người, ở những hoàn cảnh, nghề nghiệp, cương vị công tác khác nhau hồi tưởng lại những việc đã qua.

Trong dòng hồi ức ấy, có những điều mình đã trải, có những hoạt động là của chung những người bạn đồng nghiệp. Tôi thuộc thế hệ những người bắt đầu nghề dạy học của mình ngay năm 1975, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Xin được nhớ lại đôi điều.

mua-sap.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Năm 1975, ngoài một số ít giáo viên ở chiến khu về, ở miền Bắc vào, một số giáo sinh các trường sư phạm đào tạo trước ngày giải phóng ra trường, để đáp ứng kịp thời số giáo viên đủ cho việc giảng dạy cấp 1, mẫu giáo của thị xã Phan Thiết ngay trong năm học 1975 - 1976, thị xã Phan Thiết đã tuyển cấp tốc giáo viên, với thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ khoảng hơn 15 ngày. Thời điểm ấy, khoảng tháng 10/1975, các chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi, với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, với đường lối cách mạng mới được tiếp thu, có hành trang là kiến thức văn hóa phổ thông cấp 3, qua 2 tuần học nghiệp vụ sư phạm, đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, hăng hái bước lên bục giảng, bắt đầu cho một năm học mới sau ngày miền Nam giải phóng.

Thời điểm ấy, giáo viên được tuyển, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cấp tốc nhận lương 34 đồng một tháng, chỉ đủ mua gạo và một vài mặt hàng thiết yếu. Anh chị em đã làm việc ngày 2 buổi, thêm vào đó là sinh hoạt thời sự nhiều đêm mỗi tuần. Bận rộn là vậy, nhưng vẫn thật vui, cả đối với những anh chị giáo viên đã dạy trước đây, lẫn những giáo viên mới bước lên bục giảng.

Năm học 1975 - 1976, bên cạnh việc giảng dạy, phong trào văn nghệ “Cây nhà lá vườn” của giáo viên các trường tiểu học, mầm non ở Phan Thiết rất mạnh. Nhiều bài hát được các anh chị em tập cho nhau trong các lần sinh hoạt ở trường: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Đường chúng ta đi, Tiến về Sài Gòn, Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu, Người giáo viên nhân dân, Có chúng tôi những người trồng hoa… Các bài hát cách mạng, các bài múa được anh chị em giáo viên tập cho nhau, biểu diễn tại trường. Trong số các bài múa đã được tập, biểu diễn, có bài múa sạp nổi tiếng. Nhạc của bài múa sạp rất dễ nghe, dễ thuộc. Đã nhiều chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ giai điệu của bài: Sol sol sol đố sol/ Sol sol sol đô rê/ Rê rê rê mí đồ rê/ Rê rê mí rê đô là/ Rế đô là đô la sol là/ Rế đô là đố la sol mì/ Sol rề sol mì sol la/ Sòl la sòl la đô đô.

Để dựng bài múa này, cần có 12 cây sào tre, trong đó có 2 cây lớn và 10 cây nhỏ hơn một chút. 10 cây nhỏ có dán giấy màu do 10 người cầm, ngồi chia làm 2 bên; 2 cây sào lớn hơn, gác ngang bên dưới. Theo nhịp của nhạc, hai người cầm cùng một đôi sào sẽ gõ nhẹ các cây tre lên 2 cây gác bên dưới, đến nốt cuối cùng của đoạn nhạc, sẽ khép hai thanh tre ấy lại. Những người chơi sẽ nối nhau bước qua những cây tre này, cứ 2 người một lượt, sao cho khi 5 cặp cây tre khép lại, người bước không bị kẹp chân. Cứ thế, nhạc của điệu múa với các nốt cứ được những người chơi cất lên, liên tục. Cũng có khi, nhạc do máy cassette phát ra. Những người bước vào sạp, kết hợp nắm tay, xoay vòng, bước từ dưới lên, bước ra khỏi sào tre, và vòng lại.

Nhạc dành cho điệu múa sạp là điệu nhạc rất vui. Múa sạp mang tính tập thể cao. Điệu múa tạo niềm vui, sự hồ hởi cho những người tham gia. Múa sạp đòi hỏi người tham gia chơi, bước vào giữa những sào tre đang gõ cần phải tập trung, bước đúng nhịp, để khỏi bị những cây tre kẹp chân.

Giữa những ngày các trường học trong tỉnh có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại nhớ về những ngày mới chập chững bước vào nghề dạy học, từ những năm mới giải phóng. Tôi cùng những người bạn cùng thế hệ dẫu vất vả, thiếu thốn về vật chất, nhưng chúng tôi đã có những ngày tháng làm việc dưới mái trường cách mạng, vẫn có những niềm vui với các em học sinh thân yêu, với những người bạn đồng nghiệp chân tình. Chúng tôi không quên điệu múa sạp rộn ràng dưới những mái trường của quê hương ngày ấy.

Khải Minh