Ngành tư pháp nỗ lực triển khai Đề án 06
Pháp luật - Ngày đăng : 05:23, 29/11/2022
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, phục vụ lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai đề án có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Tầm quan trọng
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, ngành tư pháp Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đề án. Năm 2022, ngành tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó tập trung cho lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) và triển khai thực hiện Đề án 06.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Văn Đào cho biết, thuận lợi của ngành là trước thời điểm Đề án 06 được ban hành, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án “Tạo lập và hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch tỉnh Bình Thuận”. Tính đến nay, đã thực hiện xong việc số hóa sổ bộ hộ tịch được 5 đơn vị, địa phương bao gồm: Sở Tư pháp, TP. Phan Thiết, huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, đạt tỷ lệ 60% khối lượng, đã đồng bộ vào hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Số hóa sổ bộ hộ tịch ở các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai, dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới.
Còn những khó khăn
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trong Đề án 06 hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhân lực thiếu và yếu, nhất là cấp xã, quá tải trong giải quyết các nhóm đầu việc được giao; trình độ công nghệ thông tin chưa đồng đều; sự phối hợp của các cơ quan trong việc xác minh hồ sơ TTHC chưa nhịp nhàng gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết TTHC, nhất là thủ tục đăng ký khai sinh, lý lịch tư pháp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật với đường truyền không ổn định, gây khó khăn cho đội ngũ công chức tư pháp trong việc kiểm tra, phê duyệt. Phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và phần mềm 158 dành riêng cho số hóa dữ liệu hộ tịch thường xuyên phát sinh lỗi, chưa cập nhật đồng bộ theo địa giới hành chính, quá tải trong quá trình truy cập. Cùng với đó trang thiết bị máy móc đời cũ, chạy yếu mất nhiều thời gian chờ đợi để truy cập và thao tác; nhiều địa phương chưa trang bị đầy đủ máy in, máy quét phục vụ riêng cho công tác triển khai thực hiện Đề án 06. Thao tác thực hiện trên phần mềm rất khó khăn, mặc dù đã tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân nhưng việc đăng nhập, tải dữ liệu và nộp hồ sơ còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, theo ông Đào, tâm lý của người dân hiện vẫn chưa quen với dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến mà vẫn chậm và mất nhiều thời gian nên bà con vẫn chọn giải pháp trực tiếp. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện số hóa hộ tịch. Tuy nhiên, ngành tư pháp vẫn xác định, việc chuyển đổi số là nhiệm vụ mang tính chiến lược của quốc gia và có ý nghĩa hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, Sở Tư pháp đã quán triệt và xem đây là nhiệm vụ chiến lược của ngành để nỗ lực thực hiện hiệu quả trong năm nay và các năm tiếp theo.
Thời gian tới, ngành tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Đề án 06. Triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng hiệu quả...