Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 08:19, 29/11/2022
Tham dự còn có một số chuyên gia, nhà khoa học thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực liên quan. Hội thảo nhằm xem xét các vướng mắc, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sản xuất, tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, hiện nay diện tích trồng thanh long của huyện còn khoảng 5.811 ha, giảm 3.553 ha so cuối năm 2019. Diện tích thanh long được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 còn 1.677,8 ha. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá bán trái thanh long thấp, thậm chí có thời điểm không bán được, trong khi đó giá vật tư đầu vào tăng cao, nhiều hộ dân không có khả năng tái đầu tư. Nhiều diện tích thanh long không chăm sóc, hoặc phá bỏ chuyển cây trồng khác…
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến đánh giá về thực trạng, nguyên nhân và định hướng phát triển sản xuất thanh long bền vững trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh vai trò kết nối đồng hành của các chuyên gia, cấp, ngành, đơn vị chuyên môn để xây dựng vị thế của thanh long, mấu chốt vẫn là vấn đề tiêu thụ. Những năm gần đây, tiêu thụ thanh long gặp khó khăn về giá cả, cho thấy việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa được tập trung. Vì vậy, phải có tư duy xây dựng hệ sinh thái bền vững mới xây dựng được thị trường.
Về phía các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT bày tỏ sự cần thiết sự ủng hộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương để xây dựng đề án tổng thể về sản xuất thanh long. Ngoài ra, cần rà soát, thúc đẩy sản xuất thanh long VietGAP, vì đây là nền tảng để tổ chức sản xuất; tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng nhà kho, kho lạnh bảo quản thanh long, định hướng lại sản xuất, tiêu thụ. Song song, chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn thiết lập mã số vùng trồng…
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến mong muốn Bình Thuận duy trì sản xuất thanh long sạch cho thị trường. Trước hết, thiết kế chuỗi đặt hàng thanh long sạch ở một số thị trường trong nước. Đại biểu Yến đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát sản xuất. Phải có sự vào cuộc của tổ chức trung gian, kết nối nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ, bởi đây là xu hướng rất tiến bộ.
Kết luận tại buổi hội thảo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cho rằng, trên ý kiến, kiến nghị của cử tri mong muốn làm sao sản xuất thanh long bền vững, khẳng định thanh long là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết nêu giải pháp, xác định thị trường là cơ bản nhất. Trong đó nhấn mạnh từ nhận thức tới hành động là một quá trình. Vấn đề đặt ra là cách phân bổ thị trường như thế nào? Các sở ngành, địa phương cần đồng hành với người dân thay đổi nhận thức về hợp tác xã…
Trước đó, trong tháng 5/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát thực tế về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tại 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình. Đồng thời, tổ chức hội thảo về “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Hội thảo lần này là một trong những hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh để tiếp tục xác định cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng đề án thí điểm mô hình sinh thái trong sản xuất và tiêu thụ thanh long bền vững.