Đoàn kết, thống nhất cao, nêu cao tinh thần trách nhiệm phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra

Kinh tế - Ngày đăng : 05:00, 30/11/2022

Sáng 29/11, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; tình hình thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán thu chi ngân sách năm 2023.

Cùng chủ trì còn có các đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Lân

Năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, trong đó du lịch phục hồi và có nhiều khởi sắc sau đại dịch Covid-19, Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,5% so với năm 2021; ước cả năm 2022 đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu theo kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Toàn tỉnh đón 5,72 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 13.680 tỷ đồng, gấp 3,22 lần so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 23,09% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt 33,13%, trong đó, thu nội địa (trừ dầu) vượt 39,12% dự toán. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 44.250 tỷ đồng, tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 33,5% so với năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19)…

Các đại biểu dự họp. Ảnh N.Lân

Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát vẫn còn ở mức cao, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; nhu cầu tiêu dùng giảm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu, cùng với sự khó khăn trong lĩnh vực tài chính, bất động sản... trong nước đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong năm qua, phát huy những tiềm năng lợi thế của tỉnh, năm 2023 tỉnh ta phấn đấu một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng: 7,0 – 7,2%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: 6,8%; Kim ngạch xuất khẩu: 974 triệu USD; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 10.006 tỷ đồng...

Hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực. Ảnh N.Lân

Tại cuộc họp, các ủy viên Ban Chấp hành đã tập trung phân tích làm rõ thêm kết quả đạt được thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, những mặt chưa được đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023. Góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Có ý kiến cho rằng, năm 2023 đề nghị tỉnh quan tâm phát triển công nghiệp, nhất là việc xác định giá đất; các vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đảm bảo thời gian; đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu giải pháp đo đạc, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân đúng hẹn tránh những vấn đề bức xúc. Quan tâm thêm vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường…

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Năm 2022 có nhiều kỳ vọng bứt phá, cố gắng nhiều hơn để bù đắp thiệt hại bị kéo lùi do dịch Covid–19. Tuy nhiên, trong năm ngoài chịu tác động tình hình thế giới, trong nước và nhiều sự việc trong tỉnh tác động làm cho động lực thúc đẩy và chậm lại thời cơ của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy nhìn nhận, tuy mức độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế đạt được những kết quả cao hơn so với năm trước với 16/17 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra nhưng sự bứt phá vẫn chưa mạnh mẽ như mong muốn.

Qua thảo luận, đánh giá soi rọi Nghị quyết Chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ những khó khăn, tồn tại. Đó là, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid -19 còn chậm, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm. Xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất kéo dài, chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng rất lớn môi trường đầu tư, tiến độ các dự án đầu tư tại tỉnh. Việc xác định giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất, các dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ; năm 2022 hầu như không đấu giá đất nào tạo nguồn thu ngân sách (trừ khối huyện). Công tác quản lý đất đai, khoáng sản dù có tập trung chỉ đạo nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm nhưng chậm xử lý gây bức xúc trong nhân dân. Tiến độ triển khai một số dự án công trình trọng điểm của tỉnh còn chậm. Năng lực, trình độ của cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc...

Về nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần tập trung cụ thể hóa, tổ chức thực hiện 6 Nghị quyết chuyên đề Tỉnh ủy đã ban hành. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sắp tới sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, cần tập trung thực hiện tốt Kế hoạch này.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong năm 2003, Bình Thuận được Bộ VHTT&DL chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đây là niềm tự hào và là cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch tỉnh, xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu Bình Thuận, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện tỉnh nhà. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chung, không phải của riêng ngành VHTTDL, mà toàn hệ thống chính trị cần có sự nỗ lực tập trung thời gian, trí tuệ, công sức, nguồn lực tốt nhất để tổ chức tốt thành công Năm Du lịch quốc gia 2023.

Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi từng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà đoàn kết, đồng lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức xây dựng Bình Thuận xanh, sạch, đẹp và văn minh như chủ đề năm 2003 mà Tỉnh ủy đã thống nhất chọn là “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”.

T.Duyên