Xử lý rác thải: Cần giải pháp căn cơ
Đời sống - Ngày đăng : 05:23, 30/11/2022
Thực trạng rác thải
Có thể thấy, những thứ rác sinh hoạt hàng ngày chứa đựng nhiều chất thải nhựa, như túi ni lon nhỏ tiện lợi của các bà đi chợ, hộp cơm, muỗng nhựa, ly cà phê, nước uống mang về với ống hút. Bởi sự tiện dụng trong đời sống con người ở thành thị, nông thôn, nên chất thải nhựa ngày càng nhiều là vậy. Điều đáng quan tâm, ở môi trường tự nhiên, túi ni lon tồn tại hàng trăm năm mới phân hủy; không có cách xử lý triệt để, chất thải này tiềm ẩn ô nhiễm môi trường rất cao, thời gian dài ảnh hưởng đời sống xã hội… Trong khi đó, việc xử lý thủ công chôn lấp rác thải ở hầu hết các huyện trong tỉnh là điều không khỏi lo lắng về ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài.
Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Đa Lộc (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư hoàn chỉnh Khu liên hợp, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ La Gi. Nhà máy đầu tiên này xử lý, chế biến 80 tấn rác/ngày (công suất 120 tấn/ngày), kể cả túi nhựa ni lon đều được tái chế. Giai đoạn 2, nhà máy nâng công suất lên 195 tấn rác sinh hoạt, 255 tấn rác công nghiệp. Cùng đó Nhà máy xử lý rác thải Phú Quý cũng đi vào hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường ở đảo.
Trong khi đó, ở trung tâm của tỉnh, diện tích Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết rộng 10 ha do Công ty TNHH Nhật Hoàng xây dựng tại xã Tiến Thành, công suất 400 tấn rác/ngày, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức. Hàng trăm tấn rác thải thành phố Phan Thiết vẫn đang được chôn lấp ở bãi rác xã vùng ven này. Bên cạnh, tiến độ xây dựng khu xử lý rác thải tập trung các huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc… vẫn còn chậm, xử lý chất thải rác các loại chủ yếu chôn lấp, đốt.
Đây là vấn đề nan giải về môi trường chưa được giải quyết triệt để, các huyện chủ động xã hội hóa, có giải pháp linh hoạt, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh 1.485 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 65%, chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn 560 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom 58,6%. Một phần rác thải nhựa trong số ấy chưa thu gom hết đã ảnh hưởng môi trường sông, biển. Nhất là các khu vực bãi ngang ven biển, bờ kè, bến đò dân cư đông đúc, lượng rác thải hàng ngày nhiều, một số người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vứt túi ni lon rác tràn lan. Cùng với rác thải từ hoạt động của ngư dân trên biển theo con nước thủy triều tấp vào bờ, tạo nên mùi hôi, ảnh hưởng môi trường nhiều nơi ven biển Bình Thuận.
Giải pháp công nghệ
Mới đây trong cuộc họp của UBND tỉnh với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, đơn vị này đã giới thiệu về quy trình xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới, tiên tiến đang được áp dụng tại 28 tỉnh, thành trong nước. Đồng thời, công ty đề xuất nhóm giải pháp cho các địa phương trong tỉnh để giải quyết thành công vấn đề liên quan đến rác thải trên địa bàn. TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn cho biết: “Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam với công nghệ xử lý rác tiên tiến đang sử dụng có thể giải quyết được 2 vấn đề lớn về môi trường của rác thải, đó là xử lý triệt để khí gây hiệu ứng nhà kính và nước rỉ rác”. Đơn vị này cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội đưa công nghệ mới vào xử lý rác tại Bình Thuận.
Sau khi nghe lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam giới thiệu về giải pháp công nghệ xử lý rác thải, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng, Công ty T-Tech Việt Nam có một số công nghệ ưu việt, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cơ bản giải quyết được vấn đề rác thải trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường tiếp tục làm việc với công ty để nghiên cứu tính khả thi, hiệu quả, từ đó có báo cáo đánh giá tham mưu UBND tỉnh xem xét. Đồng thời các huyện cần xem xét công nghệ tiên tiến trên để có thể đầu tư xây dựng xử lý rác thải đang tồn tại ở các địa phương.