Còn đâu làng nghề đan lát mây, tre?
Kinh tế - Ngày đăng : 14:26, 28/11/2022
Tuy nhiên, qua thời gian, khi đời sống kinh tế của người dân phát triển, nghề đan lát có mức thu nhập thấp đã mai một dần và hiện nay đã gần như xóa sổ làng nghề đan lát mây, tre này.
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi về lại thôn Quảng Thuận, xã Đức Thuận. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn chỉ còn mỗi mình ông Nguyễn Văn Thanh là người thi thoảng còn hành nghề đan lát một vài sản phẩm như thúng, mủng, nia. Ông Thanh cho biết: Từ khi vào thôn Quảng Thuận này lập nghiệp (năm 1980), ông đã bắt đầu với nghề đan lát mây, tre ra các sản phẩm như thúng, mủng, rổ, rá, nong nia… Vì người dân trong thôn hầu hết có gốc từ tỉnh Quảng Trị nên họ đều am hiểu nghề này và hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều làm thêm nghề đan lát này. Lúc đầu người lớn làm, sau đó đến trẻ em cũng làm được một số công đoạn của các sản phẩm. Ở thập niên 1990 đến khoảng 2010, nghề đan lát mây, tre ở đây phát triển rất mạnh. Nhà nhà đan, người người cùng đan, bất kể người già hay trẻ nhỏ cũng tham gia công việc, cũng từ đó người ta gọi là làng nghề đan lát mây, tre Quảng Thuận. Thời điểm đó, mặc dù kinh tế còn khó khăn, điều kiện đi lại chủ yếu là xe đạp, nhưng bù lại mây, tre nhiều vô kể. Ông Thanh nhớ lại, sáng sớm dậy nấu cơm, ăn xong là lên chiếc xe đạp cà tàng cùng với cây rựa chạy vài chục phút là vào đến rừng. Vừa tới bìa rừng là đã có tre và mây rồi. Việc lấy mây, tre vì thế rất nhanh và thuận lợi. Đi một buổi là về làm cả tuần mới hết số mây, tre đã chặt được. Còn bây giờ, kiếm được mấy khúc tre, vài sợi mây là phải lên tận núi cao mới có. Đi xe hơn vài giờ đồng hồ, rồi cuốc bộ lên núi mới kiếm được một ít. Nghề đan lát trước đây cả người già, trẻ con cũng làm ra tiền. Làm nghề này vui lắm, nhà nào cũng đan lát, chuyện trò rôm rả. Sản phẩm làm ra thương lái đến tận nhà thu mua hết. Mặc dù tiền công mỗi ngày không nhiều nhưng bù lại ai cũng làm được nên ai cũng có tiền công. Tổng số tiền thu được trong một ngày cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Ông Phan Duy Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đức Thuận cho biết: Thôn Quảng Thuận có 236 hộ/ 927 nhân khẩu. Đã có thời điểm nghề đan lát mây, tre ở đây phát triển rất mạnh. Có lẽ cũng chính vì vậy, mà không những người dân ở huyện Tánh Linh mà nhất là người dân làm nghề biển ở Phan Thiết, Hàm Tân… rất chuộng hàng tre đan ở đây. Ngày nay, các sản phẩm đan lát thủ công bằng tre, nứa không còn được ưa chuộng như trước nữa. Cùng với đó, sản phẩm làm ra khá thô sơ, chưa đủ độ tinh xảo để thu hút khách hàng cũng như làm hàng hóa xuất khẩu nên đầu ra không có. Chính vì vậy, thế hệ trẻ trong thôn không còn mặn mà với nghề bởi thu nhập quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống, nguồn nguyên liệu khan hiếm, không đủ chi phí nên người dân đã chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn.
Nghề đan lát ở thôn Quảng Thuận, xã Đức Thuận đang đứng trước nguy cơ xóa sổ do xã hội ngày càng phát triển những sản phẩm công nghiệp hiện đại dần thay thế các vật dụng truyền thống trong khi người làm nghề đều đã lớn tuổi. Chính vì vậy, ông Thanh mong muốn, chính quyền các cấp quan tâm, động viên, khích lệ, hay có sự hỗ trợ nào đó để người dân tìm lại nghề đan lát. Vì đây cũng là một nghề có giá trị văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống.