Lĩnh vực dịch vụ công ích: Đổi mới mô hình, nâng cao năng lực để hoạt động hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 30/11/2022

Thuộc lĩnh vực dịch vụ công ích, do vậy doanh thu của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận chủ yếu từ hợp đồng đặt hàng với thành phố Phan Thiết. Thế nên, việc ký kết hợp đồng dịch vụ công ích đô thị hàng năm có tính chất quyết định đối với số lượng lớn người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và các cổ đông tham gia góp vốn…

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cho biết tổng số lao động có mặt thường xuyên của đơn vị hiện nay là 425 người. Những năm qua, người lao động tại doanh nghiệp đều có việc làm và thu nhập ổn định, ý thức trách nhiệm cao trong việc tuân thủ pháp luật nên góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

img-1303.jpg
Chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần có hướng tháo gỡ để ổn định và duy trì hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể với hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Phan Thiết, doanh nghiệp cho rằng việc chậm thanh toán khối lượng hàng tháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề vướng mắc về quyết toán tiền lương cho người lao động, công tác đấu thầu, đặt hàng với công ty, định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị…

img_0729.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận.

Do vậy mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và giải quyết một số kiến nghị của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh), UBND thành phố Phan Thiết cũng tham dự và thẳng thắn trao đổi về những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Qua ý kiến góp ý của các bên liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng ghi nhận cố gắng của doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động trong thời gian qua, nhất là triển khai thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm 2022 đến nay. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, lãnh đạo tỉnh đề nghị Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cần quan tâm đổi mới mô hình lẫn phạm vi hoạt động. Theo đó, không chỉ trên địa bàn thành phố Phan Thiết mà phải tính toán mở rộng phạm vi hoạt động đến các vùng lân cận cũng như năng động trong thực hiện nhiệm vụ. Tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan để tham mưu chủ sở hữu (UBND tỉnh) kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực kinh doanh của đơn vị.

Đồng thời trong hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cần nỗ lực bảo tồn nguồn vốn của chủ sở hữu, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và tiền lương cho người lao động. Mấu chốt là phải tính toán hợp đồng đặt hàng, tổ chức các dịch vụ một cách chặt chẽ, đảm bảo đem lại hiệu quả. Cùng với đó có giải pháp nâng cao năng lực toàn diện, để khi tham gia đấu thầu sẽ thành công, qua đó duy trì hoạt động của đơn vị, đảm bảo kế hoạch tài chính cũng như giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.

Còn lại một số kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh thống nhất với đề xuất tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, giải quyết nội dung chậm nộp thuế, xử lý công nợ trong thời gian qua…

Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước sang Công ty cổ phần có vốn góp Nhà nước với tỷ lệ 52,97% trên tổng vốn điều lệ. Đồng thời, công ty được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ cuối tháng 4/2016.

Đ.QUỐC