“Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng”

Kinh tế - Ngày đăng : 14:41, 30/11/2022

Đó là nội dung hội thảo được tổ chức sáng nay (30/11) do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức. Tham dự có đại diện một số sở, ban ngành, địa phương liên quan và một số người dân, hội viên Câu lạc bộ trí thức.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài dược liệu, mỗi loài được phân bố và tập trung ở những khu vực và trạng thái rừng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu để có giải pháp vừa đảm bảo khai thác sử dụng có hiệu quả vừa bảo tồn được nguồn gen rất cần thiết.

z3922506916593_1fbfd2e5a80bfedba6479a7078893b09.jpg
TS Lương Thanh Sơn- Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật khai mạc hội thảo

Đơn cử khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố của các loài như cốt toái bổ, ba kích, sâm bố chính, xáo tam phân, mật nhân, bụt giấm. Ngoài ra, dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố của nhiều loài nấm linh chi; Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông tại huyện Tánh Linh có củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, lan kim tuyến; khu vực huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm… Với các loài dược liệu đa dạng đó, tiềm năng phát triển và nhân rộng rất lớn, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế -xã hội nếu có sự nghiên cứu, đầu tư kịp thời.

z3922521573062_513708e6c9cb9f02b7e36183e8d36c42.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp cân đối hợp lý nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đồng thời, lồng ghép vào các chính sách đầu tư của trung ương và địa phương. Xây dựng quy trình kỹ thuật trồng các loài dược liệu có giá trị. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai nhân rộng đến các tổ chức, người dân hoặc hợp tác để chia sẻ lợi ích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo sự ổn định, xuyên suốt, thống nhất giữa các khâu “trồng, chăm sóc -khai thác -chế biến -tiêu thụ sản phẩm” để tránh trường hợp “được mùa, mất giá”.

nam.jpg
Nấm linh chi đỏ trong tự nhiên tại Bình Thuận

Được biết, sự đa dạng, khác biệt về khí hậu và địa hình của Bình Thuận đã tạo nên các kiểu trạng thái rừng khác nhau như rừng gỗ lá rộng thường xanh, rừng tre nứa, rừng gỗ lá kim…hay đặc trưng là rừng khộp. Với điều kiện khí hậu, địa hình như vậy, tạo nên sự đa dạng, tiềm năng phát triển cho các loài cây thực vật nói chung và các loài cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.

K. Hằng