Chỉ thị 30 - bước đệm tháo bỏ thẻ vàng của EC

Kinh tế - Ngày đăng : 08:24, 23/08/2018

BT- Thời gian qua, nhất là từ khi bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, có thể nói sự “ngây ngô” của một số ngư dân mới bắt đầu tỉnh ngộ. Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thêm một lần cảnh tỉnh để chấn chỉnh kịp thời trong hoạt động của ngành mà lâu nay còn bỏ ngỏ.
                
Ảnh minh họa

Bước đệm cho thủy sản

Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 6.939 tàu cá/ 1.076.991 CV, trong đó, 1.248 chiếc đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa (chiếm 40,45% tàu cá từ 90 CV trở lên), nhưng thực tế chỉ có 760 chiếc hoạt động trên các vùng biển xa được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Việc đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ rơi vào nhóm nguy cơ xâm phạm vùng lãnh hải nước ngoài cao nhất là nhóm nghề câu khơi, nghề lặn và nghề dịch vụ thu mua. Ngoài ra, số tàu cá trong tỉnh thường xuyên hoạt động và lưu trú trên các vùng biển ngoài tỉnh (149 chiếc) cũng thuộc nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trước tình hình đó, ngày 28/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 723/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Biển Đông trở thành tâm điểm của không ít nước láng giềng. Chính nước bạn cũng đưa ra những hình thức xử lý khá nghiêm khắc khi bắt giữ tàu thuyền vi phạm lãnh hải. Nhưng tình trạng tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển các nước để khai thác, thu mua bất hợp pháp vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, diễn biến khá phức tạp trong những tháng cuối năm 2017.

Theo thống kê, tàu cá của Bình Thuận và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ/7 tàu/ 51 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Đáng kể nhất là bị Thái Lan bắt giữ 2 vụ/4 tàu cá/29 ngư dân. Malaysia bắt giữ 2 vụ/2 tàu cá/14 ngư dân. Indonesia bắt giữ 1 vụ/1 tàu cá/8 ngư dân. Ngày 14/2/2018, lực lượng chức năng Thái Lan đã thả về 18 ngư dân thuộc phường Phước Lộc, thị xã La Gi. Các tàu cá, ngư dân vi phạm nói trên đều thuộc địa bàn thị xã La Gi. Tiếp tục vào cuối tháng 2/2018, Đồn Biên phòng Phú Quý đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá tại huyện Phú Quý chuẩn bị xuất bến đi khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài. Nhưng từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6/2018 chưa phát hiện tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, đó cũng là dấu hiệu đáng mừng. Riêng Chi cục Thủy sản đã phát hiện và xử lý 51 trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản 12 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 390,9 triệu đồng. UBND tỉnh đưa ra khỏi danh sách tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 tổng cộng 16 tàu cá, trong đó có 10 tàu cá của chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, 6 tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản tại địa phương. Theo đó, đã loại khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định 48  trong năm 2017 tổng cộng 28 hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu với số tiền 2,085 tỷ đồng, 8 hồ sơ bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, 1 hồ sơ hỗ trợ máy thông tin liên lạc đường dài. 

Giải pháp thắt chặt

Để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, từ sau Công điện 732/CĐ-TTg, Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, chính quyền các địa phương có biển - nhất là thị xã La Gi và huyện Phú Quý đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, bước đầu đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trên thực tế, việc quản lý tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa vẫn còn nhiều bất cập, tàu cá được hoạt động tự do trên các vùng biển nhưng phần lớn chưa có thiết bị giám sát hành trình, lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển xa còn quá mỏng, lực lượng biên phòng chỉ kiểm soát khi tàu cá xuất và nhập bến. Vì vậy, dẫn đến tình trạng không thể phát hiện kịp thời tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cũng như có biện pháp cần thiết bảo vệ ngư dân khi bị bắt giữ trên vùng chồng lấn, tranh chấp trên biển. Trong số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài của tỉnh có một số tàu cá đăng ký tại tỉnh, nhưng thường xuyên cư trú và hoạt động tại vùng biển tỉnh ngoài như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... Vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, theo dõi hoạt động của những ngư dân này.

Quang Nhân