Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa

Đời sống - Ngày đăng : 05:41, 01/12/2022

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân vào cuộc, tạo thành phong trào hoạt động rộng khắp.

1032a3f7-3c7a-4eab-adf9-fb4b4fbfcfd8.jpeg
Các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa ở huyện Đức Linh. Ảnh tư liệu

Tạo được sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn

Như chúng ta đã biết, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh ở nhiều địa phương của tỉnh, do vậy việc xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với quá trình đô thị hóa đang được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, đây cũng là yêu cầu mới đặt ra đối với quá trình xây dựng NTM, phù hợp với thực tiễn theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì thế, trong xây dựng NTM, tỉnh Bình Thuận đã tạo được sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn lên một tầm cao mới. Xây dựng NTM đặt trong mối liên kết, gắn chặt với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh luôn ưu tiên phát triển hạ tầng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị hóa, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Rõ nét nhất là tại các địa phương đã đạt chuẩn NTM cấp huyện, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn đã có những bước ngoặt phát triển vượt bậc. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện kết nối các vùng trong huyện được mở rộng hoặc xây dựng mới khang trang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng nói ở đây là, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình xây dựng NTM của tỉnh năm 2021 vẫn đạt những kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM đó là: xã Bình An (Bắc Bình); Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc); Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam); Gia An (Tánh Linh) nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 69/93 xã, đạt 74,2%. Trong năm 2022, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giữa kinh tế hộ và doanh nghiệp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, chú trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Quan tâm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống…

Tạo động lực xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo

Để thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 25/10/2022, về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phát triển đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo, công nghệ thông tin, hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều đất, lao động. Chú trọng phát triển các đô thị nhỏ, vùng ven để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Về định hướng phát triển nông thôn, phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh, trật tự được bảo đảm, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân, xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Xây dựng các mô hình phân bố dân cư phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên, phù hợp với đặc điểm văn hóa, dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội… Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị và nông thôn, bảo đảm quy mô và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định. Đồng thời, phát triển công nghiệp để giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, xây dựng NTM để định hình lại bản sắc và thế mạnh của các vùng nông thôn, để thúc đẩy sự cân bằng và tương tác giữa nông thôn và thành thị…

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, có 75/93 xã và 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, Bình Thuận có 93/93 xã và 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, cơ bản xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của tỉnh. Năm 2030, thu nhập bình quân khu vực nông thôn gấp hơn 2 lần so năm 2020, xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), không còn tình trạng tái nghèo và tiếp tục cải thiện rõ mức sống người dân nông thôn của tỉnh.

THANH QUANG