3 ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Bình Thuận
Đời sống - Ngày đăng : 11:05, 01/12/2022
Theo phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Sở Y tế, tới đây ngành tham gia quản lý cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Bao gồm: Các bếp ăn tập thể công ty, nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Ngoài ra còn quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền, nước đá dùng để chế biến thực phẩm (trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng được phân công quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trừ các cơ sở do Bộ Y tế quản lý). Hay như các cơ sở sản xuất kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó).
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Gồm: Cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; Cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 1 - Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trên lĩnh vực phụ trách, ngành còn quản lý cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Cùng tham gia, Sở Công Thương quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Trong đó gồm: Các cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng như thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo khoản 1 - Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mặt khác tham gia quản lý các cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Box: Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Theo Quyết định này, đối với công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành vào những đợt cao điểm trong năm theo yêu cầu của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thì các sở, ban, ngành cùng phối hợp thống nhất danh sách thực hiện thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở thực phẩm…