“Nếu không đạt tiến độ, thì viết sẵn đơn đi”
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:08, 02/12/2022
Trên công trường dự án Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, khởi công tháng 9/2020, kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng tiến độ thi công đang bị chậm, nhiều đoạn còn rất ngổn ngang đất đá. Thời tiết lại mưa nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng không khỏi sốt ruột nói: “Không cần hứa nữa, doanh nghiệp nào không đáp ứng tiến độ, chất lượng thì đứng sang một bên và sau này đừng nghĩ đến các dự án do Bộ Giao thông Vận tải triển khai”. Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm dứt khoát loại bỏ các nhà thầu yếu kém, chây ỳ, chậm trễ: “Nếu tiến độ không đạt, thì viết sẵn đơn đi”.
Thực tế sau hơn 2 năm khởi công các dự án cao tốc qua Bình Thuận (tháng 9/2020), bên cạnh một số lý do khách quan như: ảnh hưởng dịch Covid-19, bão giá vật liệu, thời tiết mưa nhiều… Theo Bộ trưởng Thắng nguyên nhân chủ quan do nhiều nhà thầu không huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, tài chính để thi công công trình trọng điểm quốc gia này; Ban quản lý dự án cũng không chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt, khẩn trương. Đi kiểm tra thực địa thấy còn rất ngổn ngang chứ không “trơn tru” như báo cáo, tân Bộ trưởng không khỏi lo ngại tiến độ thi công chậm trễ, trong khi thời gian còn rất ít, chưa đầy một tháng nữa, liệu có kịp hoàn thành mục tiêu Chính phủ yêu cầu là thông xe kỹ thuật cả 2 dự án cao tốc trên vào cuối năm nay? Nhất là trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, mưa bão nhiều.
Bộ trưởng yêu cầu từ nay Ban quản lý dự án phải báo cáo tiến độ hàng ngày với Bộ Giao thông Vận tải, chậm ngày nào chịu trách nhiệm ngày đó, đồng thời tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, nguyên vật liệu, làm thật khẩn trương, quyết liệt nhất có thể; tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi, phải rất nỗ lực, cả làm việc xuyên tết, thì mới kịp thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2022 và hoàn thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày 30/4/2023. Bộ trưởng lưu ý: Dự án này đã lùi tiến độ một lần rồi, vì vậy không còn đường lùi nữa. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, chậm ngày nào là gây thiệt hại cho đất nước, doanh nghiệp và nhân dân ngày ấy.
Các dự án cao tốc qua Bình Thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút đầu tư, phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Nhân dân Bình Thuận đã rất đồng thuận, thần tốc trong bàn giao, giải phóng mặt bằng và giờ đang mong chờ ngày khánh thành các tuyến cao tốc này, nhất là đoạn Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết từ 5 giờ xuống còn hơn 2 giờ. 3 tháng trước (ngày 10/9/2022) Bộ Giao thông Vận tải đã phát động đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật các dự án cao tốc phía Đông, nay quỹ thời gian chỉ còn chưa đầy 30 ngày đêm, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đi kiểm tra tiến độ và đốc thúc quyết liệt… Hy vọng 2 dự án cao tốc trên sẽ khánh thành đúng vào dịp Lễ Chiến thắng 30/4/2023, tạo thuận lợi cho Bình Thuận tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.