Giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 05:14, 02/12/2022

Giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu… luôn tăng. Trong khi đó, giá cả của hàng nông sản thấp, không ổn định, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của nông dân. Cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, có chính sách hỗ trợ vật tư, ổn định đầu ra sản phẩm giúp nông dân sản xuất bền vững.

Đó là những phản ánh, kiến nghị của cử tri ở nhiều địa phương trong tỉnh tại các buổi tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội tỉnh sau kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 11/2022. Cử tri xã Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) phản ánh, tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay có một nghịch lý. Đó là giá vật tư đầu tư cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… vào ngành nông nghiệp, nhất là trồng lúa, trồng bắp, thanh long liên tục tăng cao. Trong khi giá thành sản phẩm thấp, không bù được chi phí đầu tư ban đầu. Nghịch lý này làm cho đời sống của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cử tri mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ bà con về vật tư và tăng giá nông sản để ổn định đời sống cho bà con. Liên quan đến vấn đề này, cử tri xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) phản ánh, giá phân bón tăng dẫn đến tình hình sản xuất nông nghiệp bị lỗ khiến đời sống người nông dân gặp khó khăn. Đặc biệt, cây thanh long là cây chủ lực ở Hàm Thuận Nam nhưng khó khăn đầu ra. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ giá phân bón và đầu ra bền vững cho cây thanh long để bà con yên tâm sản xuất. Tương tự, cử tri phường Tân Thiện (thị xã La Gi) phản ánh, hiện nay giá cả các mặt hàng nói chung đều tăng, nhưng giá nông sản thời gian qua không tăng, một số mặt hàng nông sản bị giảm so với trước đây, khiến người nông dân thời gian qua bị thua lỗ. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có chính sách phát triển nông nghiệp bền vững.

rau.jpg
Chăm sóc cây dưa leo. Ảnh: Đình Hòa

Trả lời nội dung này tại buổi tiếp xúc cử tri 2 xã Đông Giang và Đông Tiến mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn An nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn, với định hướng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời, rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, làm sao người dân có đất và công cụ để sản xuất, có hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa… để đáp ứng về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Đối với tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết nâng cao phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số như bố trí đất, hỗ trợ tư liệu để dân sản xuất, đầu tư thủy lợi… Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững - xây dựng nông thôn mới - phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện tỉnh đang phân khai kế hoạch vốn để triển khai nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn tạm thời để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Trả lời thêm vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, thời gian qua các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt, chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp và triển khai các giải pháp duy trì, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; tổ chức sản xuất, chế biến theo tín hiệu và nhu cầu thị trường. Ưu tiên xây dựng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản chủ lực; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, tổ chức kết nối nông dân sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; chủ động tăng cường tiêu thụ nội địa.

Thanh Thủy