Người trồng hoa mong chờ thời tiết thuận lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 02/12/2022
Mai ra nụ sớm
Trong tháng 11/2022 có 7 ngày mưa liên tục do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Điều này làm cho cây mai bị kích thích ra nụ và nở hoa sớm. Ước tính, cây mai trồng trong chậu có tỷ lệ ra nụ, nở hoa chiếm 30%, còn tỷ lệ ra nụ, nở hoa của cây mai trồng ở ngoài đất là khoảng 40%. Mặc dù thời điểm bán mai tết cũng đang đến gần (khoảng chừng 37 ngày nữa), nhưng mai nở sớm, nguồn thu của người trồng sẽ giảm. Hơn thế nữa, các chi phí phân bón, đầu tư chăm sóc thì lại tăng. Tổ hội hoa và cây cảnh của xã Hàm Hiệp có khoảng 7.000 cây mai trồng chậu và ngoài đất đều rơi tình cảnh như trên. Đó là chia sẻ của ông Lê Khắc Vi, Phó tổ trưởng Tổ hội hoa và cây cảnh của xã Hàm Hiệp.
Theo kinh nghiệm của ông Vi, thời tiết bất thường trong những ngày qua, chất lượng ra hoa ở cây mai vào thời điểm bán tết sẽ không đạt tốt. Khi mai ra nụ, nở hoa sớm thì người trồng không nên ngắt bỏ, mà phải chăm sóc bón phân để tránh cây bị kiệt sức. Số cây mai trồng chậu có tỷ lệ ra nụ sớm thấp hơn so với cây mai trồng đất. Bởi trong chậu thoát nước tốt, lượng giữ ẩm cho cây ổn định so với cây mai trồng ngoài đất. Nếu từ đây đến cuối tháng 11 âm lịch, thời tiết xuất hiện những cơn mưa bất chợt, thì người trồng mai xem như mất mùa.
Lý thuyết truyền miệng nhau là cứ đến rằm tháng chạp, người trồng mai sẽ lặt lá mai để ra hoa đúng dịp tết. Tuy nhiên, trong thực tế, để cây mai ra hoa đúng dịp tết hay không là chuyện không dễ, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và kinh nghiệm người trồng. Số ngày nắng nóng kéo dài bất chợt trời đổ mưa liên tục, cây mai bị ức chế sẽ ra hoa sớm. Vào thời điểm cuối tháng chạp, người trồng mai dựa vào thời tiết, kinh nghiệm xem kích thước đâm chồi. Từ đó có thể tính toán ngày lặt lá mai trước, ngay hoặc sau rằm tháng chạp sao cho đúng thời điểm.
Hy vọng thời tiết tốt
Với những gia đình trồng hoa sứ, trường sanh ở Hàm Hiệp, hoa cúc, hướng dương, mào gà, vạn thọ… ở xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) không bị ảnh hưởng trong những ngày mưa của tháng 11/2022. Bởi cây được trồng trong từng chậu, sử dụng giá thể tơi xốp, thoát nước tốt. Mưa kéo dài nhiều ngày thì độ ẩm cao, cây hoa dễ bị nấm và có sâu bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh trên hoa kiểng, người trồng chủ động phun thuốc ngay sau khi ngưng mưa. Theo ông Thái Ngọc Âu (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), sứ ghép có đặc trưng lá khá trơn, khó phun thuốc phòng bệnh. Năm nay, số lượng cây sứ ghép tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bởi sau dịch Covid-19, mọi hoạt động trở lại bình thường. Ông Âu hy vọng thời tiết tốt để hoa đẹp và sẽ bán được hàng.
Ông Võ Văn Hồng (xã Tiến Lợi, Phan Thiết) cho biết: “Năm ngoái, tôi trồng 3.200 chậu hoa các loại phục vụ tết, nhưng đều bán hết sớm. Mặc dù giá vật tư trồng trọt tăng, nhưng tôi đầu tư trồng trên 5.000 chậu các loại hoa: mào gà, trường sanh lùn, cúc mặt trời, vạn thọ, dâu, ớt kiểng… để phục vụ thị trường tết. Đặc biệt, tại thời điểm này, các cơ sở nghỉ dưỡng đã đặt mua 4.000 chậu. Số còn lại thì các thương lái cũng đặt mua rồi. Tôi mong muốn thời tiết thuận lợi để cây sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi (Phan Thiết) Nguyễn Thanh Quang, những ngày mưa vừa qua, tình hình sản xuất hoa của người dân không có bị ảnh hưởng do thoát nước tốt. Sau mưa chủ động phun thuốc ngừa sâu, nấm. Sau đại dịch Covid-19, các hộ dân giờ đã mạnh dạn đầu tư vào thị trường hoa năm nay. Vì vậy, diện tích hoa tăng hơn năm ngoái. Toàn xã có hơn 50 hộ trồng hoa tết tập trung tại thôn Tiến Thạnh, thì có khoảng 15 hộ chuyên trồng hoa quanh năm để bán vào ngày rằm, mùng một hàng tháng. Bên cạnh các loại hoa như trường sanh đỏ, vàng; cúc các loại; hoa vạn thọ, hoa mào gà, băng-xê, người trồng có thêm hoa hồng, cúc đại đóa Nhật, trường sanh đỏ Nhật, cúc đồng tiền, mãn đình hồng…