Hội thảo về giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long

Kinh tế - Ngày đăng : 16:14, 02/12/2022

Ngày 2/12, tại TP. Phan Thiết, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long tại tỉnh Bình Thuận”.

Hội thảo thu hút sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ban ngành trong tỉnh, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan cùng nhiều nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam”.

z3927250615209_dcd85c86b4acf5630b1b4529047756ce.jpg
Chủ trì hội thảo

Theo đó, Dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UNDP thực hiện tại 2 tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu. Mục tiêu nhằm thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình thực hiện NDC của Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của dự án là hỗ trợ triển khai các giải pháp số hóa, hệ thống truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ thông tin cho hai chuỗi cung ứng thanh long và tôm nhằm thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng hợp lý tài nguyên và tạo ra ít phát thải…

z3927250466162_92bc3af177cb82989bf83ba4e0510ecb.jpg
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số luôn được coi là mũi nhọn. Đồng thời là chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, đưa vào vận hành, bắt kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Trong đó bao gồm hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn.

z3927250588287_69e438340453208b21e4d9a7d077b8ec.jpg
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận

Về phía tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, Bình Thuận đã và luôn xác định thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh xác định ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, cần rõ ràng và minh bạch trong các khâu sản xuất và sơ chế, chế biến.

img_6802.jpg
Thanh long Bình Thuận

Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu về chú trọng tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý thanh long; truy vết dấu chân các-bon cho sản phẩm thanh long. Mặt khác, hướng dẫn thực hành ghi nhật ký và truy vết dấu chân các-bon, hướng đến sản xuất xanh và bền vững. Trên nền tảng này, xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ cải thiện các phương án kinh doanh thích ứng thông minh với khí hậu và phát thải các-bon thấp trong chuỗi cung ứng thanh long nhằm giúp thanh long Bình Thuận tăng khả năng thích ứng và tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Kiều Hằng