Đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ
Trong nước - Ngày đăng : 05:34, 03/12/2022
Để gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ giảm từ 10 - 30% phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Thời gian áp dụng trong 6 tháng của năm 2023.
Theo dự thảo Nghị định về phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí áp dụng cho ôtô (trừ xe của lực lượng Công an, Quốc phòng) từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.
Cụ thể: Mức phí xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh là 130.000 đồng/tháng; mức phí xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ là 390.000 đồng/tháng; mức phí xe chở người từ 40 chỗ trở lên là 590.000 đồng/tháng; mức phí xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19 tấn đến dưới 27 tấn là 720.000 đồng/kg; mức phí xe đầu kéo có khối lượng tự trọng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên là 1.430.000 đồng/tháng.
Theo dự thảo Nghị định, đối tượng áp dụng là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) được phép lưu hành. Đồng thời, dự thảo quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do bị hủy hoại, tịch thu, xe bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).
Tại dự thảo Nghị định cũng quy định 5 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh. Quy định này được kế thừa các quy định hiện hành.
Về quản lý tiền phí thu được, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ: Tổng cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam (trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thu phí), để cơ quan này tổng hợp và khai, nộp phí vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Các trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của trung tâm, trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị giảm 50% mức phí đối với xe tải có trọng tải lớn (trừ xe ben), các xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; các xe dùng trong đào tạo, sát hạch lái xe. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa đến hết năm 2022 do tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải (công văn số 6779/BGTVT-TC ngày 06/7/2022).
Sau khi nhận được ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ GTVT và bổ sung thêm khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định quy định: Giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Phí sử dụng đường bộ được tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Chủ xe nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm, theo năm dương lịch, theo tháng với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất trên nếu được Chính phủ thông qua sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, ước tính ngân sách năm 2023 sẽ giảm khoảng 390 tỷ đồng.
Tiền phí đường bộ hàng năm thu được khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp NSNN và dùng toàn bộ cho việc bảo trì đường bộ. Ngoài số tiền thu phí trên, mỗi năm, NSNN cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.