Chuẩn bị cung ứng hàng hóa tết cho đồng bào vùng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 05/12/2022
Trong những năm qua, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm. Trong đó, nổi bật nhất là chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư, hỗ trợ vay vốn mua bò và các chính sách có liên quan nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất. Các chính sách này đã phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Trung tâm Dịch vụ miền núi (Trung tâm) đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào DTTS vùng cao, 13 đại lý ở các thôn DTTS xen ghép để tổ chức cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào. Theo Trung tâm, trung bình mỗi năm cung ứng trên 1.200 tấn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng.
Thu mua mủ cao su tại xã ở Cửa hàng La Dạ.
Thông qua việc đầu tư ứng trước, đồng bào được cung ứng đầy đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa đảm bảo chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật canh tác để sản xuất. Sau khi sản phẩm thu hoạch, Trung tâm thực hiện thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào sản xuất ra với giá cả phù hợp. Qua đó, giúp cho bà con không lo lắng đầu ra sản phẩm các sản phẩm nông nghiệp tham gia đầu tư ứng trước, đồng thời, hạn chế được tình trạng đồng bào đi vay lãi nặng, bị tư thương ép giá. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ có chức năng tổ chức đầu tư sản xuất, hàng năm các cửa hàng, đại lý là địa điểm tin cậy cung ứng các mặt hàng thiết yếu vào dịp Tết Đầu lúa, Tết Nguyên đán.
Mua sắm tết ở vùng cao (ảnh tư liệu)
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là vùng đồng bào dân tộc các xã miền cao sẽ bước vào Tết Đầu lúa và ngay sau đó là Tết Nguyên đán 2023. Hiện nay, với sự thuận lợi trong lưu thông đã giúp đồng bào DTTS trong tỉnh có nhiều lựa chọn trong mua sắm tại những địa điểm bán hàng ở trung tâm các huyện, thị xã. Năm nay, căn cứ vào tình hình thực tế, Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán 2023, Trung tâm dự kiến mua sắm khoảng trên 300 triệu đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng bình ổn như: Gạo nếp, gạo tẻ, đường, sữa, nước mắm, bột nêm, bánh kẹo và nước giải khát các loại… cung ứng xuống các cửa hàng, đại lý và không tổ chức bán hàng lưu động. Trung tâm tiến hành cho các cửa hàng, đại lý trực thuộc tạm ứng kinh phí tiền mặt khoảng trên 500 triệu đồng để tự mua sắm các mặt hàng thiết yếu như: Quần áo, giày dép, thịt tươi các loại… Cụ thể, các cửa hàng, đại lý tạm ứng từ 30 - 50 triệu đồng (đối với đại lý) và từ 50 - 100 triệu đồng (đối với cửa hàng) để chủ động mua sắm hàng hóa bán phục vụ nhu cầu mua sắm của đồng bào tại địa phương. Đơn cử tại huyện Hàm Thuận Bắc có 3 cửa hàng Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ. Hiện các cửa hàng cho biết, đã lên kế hoạch sẵn sàng để chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để bán phục vụ đồng bào dịp tết.
Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi, việc mua sắm hàng hóa của các cửa hàng, đại lý đều được Trung tâm kiểm tra, giám sát với tiêu chí chất lượng hàng hóa phục vụ tết có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chủ yếu của các doanh nghiệp trong nước theo tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đảm bảo thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Về giá bán phải bằng hoặc thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm.