Nông thôn mới Hàm Thuận Bắc: “Năng nhặt chặt bị”

Xã hội - Ngày đăng : 05:28, 05/12/2022

Theo thời gian, diện tích thanh long sụt giảm mạnh, bây giờ ở Hàm Thuận Bắc nổi lên những hộ dân, những tổ, HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn là còn hy vọng, nhờ những liên kết trong tiêu thụ, chế biến. Và như bù đắp, trong thời gian này trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất, cây trồng mới bỗng trỗi dậy, giúp thu nhập của người dân tăng.

Đâu chỉ có thanh long

“Bộ sưu tập” cây trái

Chỉ còn khoảng 60 ha nữa là diện tích sầu riêng của Hàm Thuận Bắc ngót nghét 1.000 ha. Cách đây 5 năm, khi vài người dân ở xã Đa Mi quyết định chuyển đổi cây cà phê sang cây sầu riêng thì không ngờ, với vị thơm ngon đặc trưng nhờ tính chất đất lẫn khí hậu ở đây đã tạo ra thương hiệu cho sầu riêng Đa Mi. Sức hấp dẫn ấy đã khiến không chỉ dân ở xã Đa Mi mà còn ở 3 xã khác gồm La Dạ, Đông Tiến và Đông Giang cũng trồng. Thế là chỉ trong 5 năm, nơi các xã vùng cao này đã hình thành vùng chuyên canh loại trái cây vua, đồng thời cũng đã xúc tiến xây dựng mã vùng trồng sầu riêng với lộ trình cho xuất khẩu.

vuon-thanh-long-trong-to-hop-tac-san-xuat-thanh-long-vietgap-thang-loi-ham-liem-htb-anh-n.-lan-3-.jpg
Vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hàm Thuận Bắc.
c0075t01.jpg
Cây sầu riêng ở Đa Mi, Hàm Thuận Bắc.

Trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố rủi ro luôn cao, nhất là với các loại cây trái tươi. Sầu riêng cũng không ngoại lệ nhưng thực tế, trong mấy năm qua, chính cây sầu riêng góp phần nâng thu nhập cho người dân ở các xã này, nhất là tại xã Đa Mi. Nếu năm ngoái thu nhập bình quân của người dân trong xã ở 48,468 triệu đồng thì năm 2022 đã lên 49,833 triệu đồng, cao hơn thu nhập ở một số xã dưới đồng bằng trong huyện. Hay như dân ở xã Đông Tiến có mức thu nhập năm nay tăng vọt so năm ngoái, khi từ 35,760 triệu đồng lên 40 triệu đồng. Ngoài nhờ cây sầu riêng đã lác đác cho thu hoạch một vài diện tích, dân Đông Tiến có thu nhập như thế, còn bởi một phần từ mô hình trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang mở rộng diện tích và có đầu ra ổn định.

trong-ot-theo-tieu-chuan-vietgap-o-dong-tien-anh-n.-lan-1-.jpg
Trông ớt theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đông Tiến.
trong-ot-theo-tieu-chuan-vietgap-o-dong-tien-anh-n.-lan-3-.jpg
Trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đông Tiến.

Mô hình trồng ớt trên không chỉ ở vùng cao mà còn đang lan tỏa dưới đồng bằng, cụ thể tại các xã Hồng Liêm, Hồng Sơn. Bên cạnh các mô hình cũ được mở rộng, các trang trại sản xuất được duy trì là nhiều mô hình sản xuất khác xuất hiện ở các xã đều áp dụng giống mới, công nghệ cao. Ví dụ như mô hình thâm canh cây bưởi theo VietGAP tại xã Thuận Minh, mô hình trồng táo hồng tại xã Hàm Phú, mô hình trồng nho xanh hồng Nhật trong nhà kính và giống thanh long tổ yến Ecuado tại xã Hồng Liêm, mô hình trồng thanh long vỏ vàng của HTX Trung Bình - Hàm Đức 100 ha. Tất cả đều mang nét riêng đặc biệt như bộ sưu tập.

lan_6561.jpg
Vườn bưởi ở Thuận Hòa.

Dịch chuyển về hướng chế biến

Trong bối cảnh thanh long giảm hơn 3.500 ha, tính từ cuối năm 2019 đến nay thì những mô hình trồng các giống thanh long mới, có giá trị kinh tế cao vẫn được người dân quan tâm. Điều đó hiểu hơn sự kiên trì của gần 7.900 hộ dân, chiếm 26% hộ sản xuất nông nghiệp toàn huyện, đang tiếp tục canh tác hơn 5.800 ha thanh long còn lại. Trong cơn lốc đó, diện tích thanh long cần tái cấp chứng nhận năm 2022 cũng giảm theo, còn khoảng 658,6 ha/53 cơ sở, trong đó chỉ mới tái cấp được 138 ha. Hiện UBND xã Hàm Chính và thị trấn Ma Lâm đang hướng dẫn các cơ sở viết nhật ký, hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị tái cấp 80 ha. Còn diện tích thanh long được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn bền vững với 32,1 ha, tại HTX thanh long Thuận Tiến - Hàm Liêm; HTX thanh long an toàn Hàm Đức và HTX Thanh long sạch Hòa Lệ. Với 14 mã vùng trồng ở 14 xã, thị trấn và 27 mã cơ sở đóng gói được cấp, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ và xuất khẩu thanh long với các doanh nghiệp vẫn diễn ra trên địa bàn, nhưng chủ yếu ở 13 HTX với hơn 439 ha. Song song đó, 2 HTX và 1 cơ sở vẫn tiếp tục chế biến thanh long với đa dạng sản phẩm như rượu vang thanh long, rượu đế thanh long, nước ép thanh long, thanh long sấy dẻo, trà túi lọc thanh long, kem thanh long, búp thanh long sấy… đang trụ trên thị trường.

san-xuat-kenm-thanh-long-o-htx-thanh-long-sach-hoa-le-.jpg
Sản xuất kenm thanh long ở HTX thanh long sạch Hòa Lệ.
z3932094104828_3fa38960c0c5e74faa079181e50fea60.jpg
Đa dạng sản phẩm được sản xuất từ trái thanh long.

Trong khi đó, những hộ dân không trồng thanh long nữa cũng đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác để mưu sinh. Với những xoay xở theo hướng “năng nhặt chặt bị” trên, trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Hàm Thuận Bắc đạt 47,988 triệu đồng/người, trong khi năm ngoái được 46,152 triệu đồng. Nhờ vậy, đóng góp của dân trong xây dựng các công trình cũng ổn định, nổi bật như xây 93 tuyến đường bê tông dài 36,6 km trong năm với tổng vốn 38,86 tỷ đồng thì dân đóng góp 13,7 tỷ đồng.

Bích Nghị - Ảnh N. Lân