Sổ tay: Sao lại chạy trốn “chốn bình yên”
Đời sống - Ngày đăng : 05:42, 08/12/2022
Con người ta lớn lên, đi học, đi làm rồi quay cuồng với cuộc sống bộn bề nhưng có một điều chẳng bao giờ thay đổi là khi mệt mỏi hay lúc gặp khó khăn, đều mong được tìm về một chốn bình yên. Nơi ấy chính là gia đình.
Còn gì hạnh phúc hơn khi sau bao nỗi lo toan của cuộc sống, về nhà được quây quần bên mâm cơm, bên những câu chuyện líu lo của đứa con thơ và một lời động viên, sẻ chia từ nửa kia của mình. Chỉ vậy mà như chắp cánh thêm niềm tin để tiếp tục sống và vươn lên. Vậy nhưng điều gì khiến ai kia phải “chạy trốn”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã thông tin: Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (năm 2020 - 2021), bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng. Cụ thể, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội LHPN Việt Nam ghi nhận tăng 50%.
Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020 cũng cho thấy, 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, trong đó cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Tuy nhiên, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, trên cả nước có 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.
Ngay ở Bình Thuận, Hội LHPN tỉnh thống kê được từ năm 2019 – 2021 có 28 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, 3 trẻ chưa đủ tuổi kết hôn, 6 trường hợp đến lánh nạn tại các địa chỉ tin cậy, 2 phụ nữ bị chồng đốt xăng, can thiệp kịp thời 1 bé gái bị mẹ ruột bán, 1 trường hợp nghi ngờ bị cha xâm hại. Với tâm lý “đèn nhà ai người ấy sáng”, liệu rằng còn có trường hợp bạo hành bị bỏ sót do giấu giếm, chưa được thông tin, can thiệp kịp thời không?.
Hóa ra trong nhiều trường hợp, gia đình đã không còn là nơi an toàn, nơi tràn ngập yêu thương mà chất chứa những nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất, khi các thành viên luôn bất an trước các hình thức bạo lực do chính những người thân yêu gây ra. Họ phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhiều vết thương lành theo năm tháng nhưng cũng có những vết thương họ ám ảnh và mang theo cả một đời.
2. Vì sao các vụ án đau lòng khi bị hại và bị cáo đều là những người thân trong gia đình ngày càng tăng? Nhiều người lý giải, đó là mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng tác động mạnh đến các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Việc bận rộn mưu sinh kéo con người ra xa nhau, người lớn chưa quan tâm, gương mẫu trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho con em…
Ngay cả quan điểm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Quan điểm này khiến người đàn ông cho rằng mình chỉ việc đi kiếm tiền, còn phụ nữ lo công việc nội trợ, không mang lại thu nhập và không cần chia sẻ công việc nhà cửa, con cái, gia đình với vợ.
Nhưng sự hòa hợp không phải từ trên trời rơi xuống mà do sự điều tiết giữa hai người. Cổ nhân có câu “Phu phụ tương kính như tân”, có nghĩa là người chồng và người vợ cần trân trọng nhau như thuở ban đầu. Mỗi người phải điều chỉnh những thói quen cần thiết để thích ứng với nhau. Cũng như hãy để những lo lắng, bực bội ở lại ngoài sân, cùng với những đôi giày.
Với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, từ năm 2019 đến nay, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” thông qua hội thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, chương trình “Chia sẻ yêu thương”… giúp cha mẹ và các em có nhận thức đúng đắn hơn trong việc chăm sóc, định hướng và kỹ năng tự bảo vệ bản thân không trở thành nạn nhân của BLGĐ. Hỗ trợ chị em tự tin, vươn lên làm chủ kinh tế, khẳng định bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; tổ “Tư vấn, tuyên truyền pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em”; tổ “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; tổ “Phụ nữ giáo dục con em phòng, chống bạo lực học đường”… nhằm xây dựng những “nơi bình yên”, giúp các trường hợp không may bị bạo lực có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Kịp thời hành động quyết liệt ngăn chặn tình trạng bạo lực, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em.