Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:49, 08/12/2022

Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Qua đó, nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Trên 80% LĐNT có việc làm

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm qua, nhờ triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền nên nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao.

ldnt-hoc-nghe-ngoc-lan.jpg
Đào tạo nghề may. Ảnh: N.Lân

Bên cạnh đó, việc quản lý dạy và học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần dần đi vào nề nếp, ổn định theo quy chế, quy định về dạy nghề của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nhờ đó, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 127.000 học viên, đạt 107,6% kế hoạch. Số LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%. Mặc dù vậy, quá trình triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT gặp một số khó khăn. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, tư vấn còn chậm, hình thức chưa phong phú, chưa sâu rộng đến nhân dân. Chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, một số nghề tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chưa cao. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo còn thiếu, nội dung chương trình, giáo trình chưa thường xuyên được bổ sung, cập nhật các kiến thức mới. Bên cạnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đào tạo nghề theo hợp đồng

Với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, toàn tỉnh đào tạo nghề cho LĐNT đạt thêm 30.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70 - 75% và đến năm 2030 đạt từ 75 - 80%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30 - 32% và đến năm 2030 đạt từ 32 - 37%. Đảm bảo LĐNT sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên. Để đạt mục tiêu trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tích cực triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đối với công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề.

Đồng thời, tập trung đào tạo nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo dõi và đôn đốc việc triển khai các mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả cao. Phát triển hình thức ký hợp đồng đào tạo nghề giữa UBND cấp xã với các cơ sở dạy nghề, đảm bảo cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm ngay; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân, đảm bảo thu hút lao động làm việc tại chỗ và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Đồng thời, tăng cường công tác cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn thu hồi đối với những dự án tạo nhiều chỗ làm việc, thu nhập ổn định phù hợp với lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương...

K.Anh