Dược liệu từ rừng!

Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 09/12/2022

Vừa dừng chân tại Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo, thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, tôi và 4 anh em đi cùng đã thấy Nguyễn Tiến Đạt - Phó trạm tươi cười ra đón vì đã hẹn trước. 5 chiếc ky nhựa lớn được chuẩn bị, sẵn sàng mang theo để đựng thành phẩm. Nắng dần lên cao, thời điểm “chín muồi” để chúng tôi vào rừng thu hoạch nấm linh chi đỏ, một loại dược liệu trồng dưới tán rừng ở vùng đất Hàm Cần, Mỹ Thạnh.

Nấm sau mưa

Tôi tự đắc, cảm thấy mình thật may mắn, vì nỗi lo cơn mưa tầm tã tối qua phá hỏng kế hoạch đi rừng không còn… Trời bắt đầu hửng nắng sau một đêm mưa dầm dề. “8 giờ qua đi nha em!”- tin nhắn zalo từ anh Hoàng. Tôi phấn chấn hẳn, vội xách ba lô lên đường. Cách Phan Thiết chừng hơn 50 km, với hơn 1 giờ đi xe ô tô, vùng đất Hàm Cần - Mỹ Thạnh hiện lên trong mắt tôi khác hẳn mùa khô vừa rồi. Hai bên trục đường chính đến xã, cây cối tỏa bóng mát rợp nhiều đoạn đường, mang lại cảm giác thật dễ chịu. Phóng tầm mắt xa hơn phía bên phải, cánh rừng Hàm Cần mùa này xanh, trở thành lá phổi xanh giữa vùng đất nắng hạn.

z3940371653036_1f8962ecaeee82134987291db58ec9f9.jpg
Trồng dược liệu dưới tán rừng

Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo do Đạt trực ban ngày hôm đó với áo quần đồng phục, dụng cụ chuẩn bị đầy đủ cho chuyến vào rừng thu hoạch nấm. 5 chiếc ky đựng lớn đã sẵn sàng mang theo để thu hoạch dược liệu. “Chuẩn bị thêm mấy cây kéo cắt nhé, đẩy nhanh tiến độ kẻo không kịp”. Tiếng nhắc nhở của Đạt quả thật không thừa. 1.000 m2 nấm linh chi đỏ được trồng dưới tán rừng tái sinh ở Hàm Cần đang ở vào “độ chín”. Vô số những cây nấm màu đỏ sẫm, cao chừng 10 cm, lúp xúp chi chít dưới chân. Sau cơn mưa rừng tối qua, những tưởng nấm bị giập xuống. Ấy vậy mà cây nấm vẫn vươn mình sừng sững, xòe chiếc ô nhỏ nhắn để che chắn những giọt mưa rơi xuống gốc. Ngước mắt lên trời, tán cây rừng phủ kín màu xanh, chỉ thấy lấp lánh vô số tia nắng mặt trời xen qua lá cây, chiếu xuống khoảng đất mềm, tươi xốp dưới những giá thể trồng nấm. Bao quanh nó là thảm thực vật vô cùng sinh động, tươi tốt. Đây là nơi sinh trưởng, phát triển của vô số loại cây, sinh vật trong rừng, kể cả nhiều loại nấm dại khác cũng đang đua nhau chen chúc.

z3940368334289_cbbf979bb32270a3d0296bccf727e14c.jpg
Đạt nhận nhiệm vụ chăm sóc nấm

Nhóm phân chia ra mỗi người thu hoạch 1 luống. Thấy tôi háo hức đòi tận tay cắt nấm, Đạt tình nguyện cầm ky, đi theo để thu sản phẩm. “Coi chừng giẫm lên nấm chị ơi”- lời nhắc nhở của Đạt buộc tôi phải chú ý hơn. Trong rừng, dù trời mát mẻ, nhưng lại kín gió. Muỗi rừng, kiến vàng sau mưa lại được dịp tung hoành khi có hơi người. Cắt được gần một luống nấm, mồ hôi trên trán tôi bắt đầu vã xuống. Cảm giác bị côn trùng cắn cũng không hề dễ chịu. Đạt nhìn tôi rồi cười: Bọn em đi tuần rừng thì cảnh này quá quen rồi, 12 năm gắn với nghề, lúc nào cũng phải mang theo tinh dầu sả. Đạt có nước da ngăm đen, kèm không ít dấu tích của côn trùng cắn. Với gương mặt tròn, thường xuyên nở nụ cười vui vẻ, mến khách, tôi cảm nhận được bạn ấy phải là người gắn bó và yêu rừng.

z3940366416848_80d2e7b17a0c55f8cf208e185aeb77a1.jpg
Thành quả sau thu hoạch

Dược liệu quý

Điểm trồng nấm khá gần Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo, thuộc tiểu khu 266, xã Hàm Cần. Ngoài đi tuần rừng, Đạt còn là người được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, canh gác nấm suốt mấy tháng trời. Do mô hình nấm cách đường không xa, nên anh em phải thay phiên nhau nhắc nhở người dân địa phương chú ý không vào khu vực này. Thậm chí, Đạt chỉ cần nghe thấy tiếng chuông cổ đàn trâu, bò ngoài đường đã vội lùa ra xa, nhắc nhở người chăn không cho gia súc phá hoại. Đây là đợt thu hoạch thứ hai, kể từ khi xuống phôi từ tháng 7/2022. Đạt lưu ý kinh nghiệm, đất rừng sau khi tạo luống chỉ cần rắc vôi ít ngày rồi thả giá thể chứa phôi nấm. Giống phôi được mua từ một doanh nghiệp ở Đồng Tháp với giá 80.000 đồng/ phôi, được đặt trên giá thể gỗ keo được xử lý. Từ khi xuống phôi đến khi thu hoạch là 4 tháng. Sau lần thu hoạch đầu tiên, nấm còn cho thu hoạch khoảng 3 lần sau đó, cách nhau từ 1- 2 tháng. Mỗi lần thu hoạch được từ 200- 300 g nấm tươi/phôi.

z3940364156361_98714c20362da221d9f9d1fc0609ad6d.jpg
Vận chuyển nấm ra khỏi rừng

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng từ vốn sự nghiệp lâm nghiệp. Phạm Đức Huy Hoàng - một kỹ sư lâm nghiệp, thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường đang được giao phụ trách, theo dõi và thực hiện mô hình “Trồng dược liệu dưới tán rừng” với 0,2 ha nấm linh chi dưới tán rừng lim tự nhiên thuộc lâm phận Ban quản lý RPH Sông Móng - Ka Pét.

Do vậy, ngoài điểm trồng nấm linh chi ở rừng tái sinh xã Hàm Cần, chúng tôi còn được anh Hoàng dẫn đến điểm trồng 0,1 ha nấm dưới tán rừng tự nhiên ở tiểu khu 257, xã Mỹ Thạnh. Điểm rừng này có độ dốc lớn, giáp ranh với vùng đất sản xuất của người dân. Các điểm trồng nấm được rào lại bởi một lớp thép gai. Ở tiểu khu này hiện có 11 cây lim xanh cổ thụ. Các phôi nấm được trồng dưới tán các cây lim này, với kỳ vọng sẽ phát tán các bào tử nấm linh chi ra môi trường rừng để chúng phát triển tự nhiên. Khi tôi thắc mắc về việc chọn điểm thực hiện mô hình, cũng như vấn đề bảo vệ nấm, anh Hoàng cho biết, điểm này thuộc địa phận rừng giao khoán bảo vệ rừng của đồng bào, nên chủ yếu nhờ bà con giáp ranh bảo vệ. Vừa vun lại gốc cây bị xói lở sau mưa, thạc sĩ Hoàng chia sẻ thêm, rừng tự nhiên xã Mỹ Thạnh có sự phân bố nhiều của loài nấm linh chi, dược chất cao. Vào mùa mưa, người dân sẽ vào rừng thu hái nấm linh chi để sử dụng hoặc bán. Theo các chuyên gia, nấm linh chi có các hoạt chất kích thích hệ miễn dịch, giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư… do đó rất được ưa chuộng.

Giá trị kinh tế cao

Bà Lê Thị Kim Liên, một thương lái chuyên thu mua nấm linh chi tại Mỹ Thạnh cho hay, nấm linh chi đỏ tự nhiên được bà thu mua với giá 300.000 đồng/kg tươi. Sau khi phơi khô (khoảng 4,5 kg nấm tươi được 1 kg nấm khô), bà bán ra thị trường với giá 1,5 triệu đồng/kg. Đó là giá bán của nấm linh chi tự nhiên, còn với nấm linh chi ươm giống dưới tán rừng, theo báo giá thu mua của đơn vị cung ứng phôi nấm cho mô hình, mỗi kg nấm khô (15%) có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.

Đang miên man nghĩ về giá trị kinh tế của loại nấm linh chi đỏ, tôi nhớ lại lời của TS. Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận tại một hội thảo liên quan cách đây ít ngày: Hiện nhu cầu sử dụng cây dược liệu ở nước ta ước tính từ 60.000 – 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng từ trồng và khai thác chỉ mới đáp ứng được khoảng 30%, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh hiện trên 288.564 ha và rừng trồng hơn 47.568 ha, độ che phủ rừng tới 43%. Dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như sáo tam phân, mật nhân, huyết rồng, nấm lim xanh… Với tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, sẽ mở ra hướng đi mới, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân gần rừng. Về lâu dài, cần có nghiên cứu về nhu cầu của thị trường, có sản phẩm chế biến phù hợp, đảm bảo đầu ra vừa tiêu thụ được trong nước, vừa hướng đến xuất khẩu.

Riêng tôi, sau hơn một buổi tham gia thu hoạch, nhìn 5 ky nhựa chất đầy nấm, được anh em khiêng ra khỏi rừng với vẻ mặt phấn khởi khiến tôi vui lây. Về đến trạm, dù khá mệt nhưng khi được Đạt “khoe” chai rượu ngâm từ nấm linh chi đỏ, ấm nước nấu vội từ vài tai nấm tươi, tôi đã cảm thấy khỏe lại ngay, nhờ dược liệu từ rừng!

  Theo các chuyên gia, nấm linh chi có các hoạt chất kích thích hệ miễn dịch, giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư… do đó rất được ưa chuộng.

Phóng sự: Kiều Hằng