Nỗ lực kéo giảm nợ thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:09, 12/12/2022
Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến đầu tháng 11, tổng nợ thuế toàn tỉnh ước là 1.081,9 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2021 tăng 27,5%. Trong đó, tổng số nợ về thuế, phí là 664,6 tỷ đồng; tổng thu nợ khả năng thu năm trước là 360,5 tỷ đồng. Tổng nợ trên tổng thu là 12,2% cao hơn so với chỉ tiêu Tổng Cục Thuế giao không quá 8%. Trong tổng số nợ thuế phát sinh ở một số lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm tỷ lệ còn cao. Mặc dù Cục Thuế đã tập trung đôn đốc nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi đối với một số doanh nghiệp có số nợ lớn, thu hồi số nợ đọng kéo dài nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên tổng thu còn cao do một số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng kê khai quý, thuế tài nguyên, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nhưng chưa nộp đủ số thuế còn nợ do khó khăn về tài chính. Một số doanh nghiệp đã hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ nhưng vẫn chưa thực hiện nộp số thuế còn nợ. Một số doanh nghiệp nợ thuế kéo dài...
Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế đó là ban hành 490.847 lượt thông báo tiền thuế nợ, ban hành 421 quyết định cưỡng chế nợ thuế với số tiền 358,1 tỷ đồng, trong đó, có 335 quyết định cưỡng chế tài khoản với số tiền 282,3 tỷ đồng; 84 quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn với số tiền là 75,6 tỷ đồng. Tham mưu 2 văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số tiền 0,2 tỷ đồng... Nhờ vậy, hiện số nợ thuế đã thu được 370,5 tỷ đồng, đạt 42,6% tổng số nợ tính đến thời điểm 31/12/2021.
Theo phân tích của Cục Thuế tỉnh, nguyên nhân tăng nợ do một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 một số doanh nghiệp đã dần phục hồi sản xuất, kinh doanh, tuy vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính nên chậm nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến một số ngành nghề lĩnh vực kinh doanh như công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, thương mại... doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tự bỏ địa chỉ kinh doanh nên phát sinh số nợ thuế khó thu hồi đối với các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, số hộ kinh doanh cá thể, một số doanh nghiệp chưa ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về thuế, chấp hành pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế và chiếm dụng tiền thuế để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc trả nợ tiền vay... Nhiều doanh nghiệp nợ thuế dưới 90 ngày, theo quy định chưa phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc đôn đốc thu hồi nợ phát sinh. Một số doanh nghiệp xây dựng vãng lai ngoại tỉnh, cơ chế phối hợp thu nợ chưa chặt chẽ và hiệu quả, kết quả thu nợ chưa cao, dẫn đến nợ thuế kéo dài, khó thu được nợ thuế...
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác quản lý nợ từ nay cho đến cuối năm 2022, các phòng chức năng và Chi cục Thuế tập trung thực hiện nghiêm công tác giao chỉ tiêu tiền thuế nợ, xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi, giảm tỷ lệ nợ đọng và thu nợ năm 2022 của Tổng Cục Thuế. Đồng thời, rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục rà soát các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phối hợp các ngành đề xuất, xử lý, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ ngân sách nhà nước giảm nợ ảo, nợ không có khả năng thu. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với các trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, kéo dài…