Quyết tâm kéo giảm tội phạm xâm hại trẻ em, vi phạm pháp luật người dưới 18 tuổi

Pháp luật - Ngày đăng : 09:29, 09/12/2022

Trong 2 năm (2021 – 2022), số vụ xâm hại trẻ em giảm 8,4% so với cùng kỳ giai đoạn 2019 – 2020; số vụ vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra giảm 8,8%.

screenshot_1670552897.png

Báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong 2 năm toàn tỉnh xảy ra 65 vụ/68 đối tượng và 68 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 61 vụ xâm hại tình dục trẻ em (so với cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020, giảm 12 vụ, 65/77 vụ); xảy ra 100 vụ với 223 đối tượng dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật (so cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020, giảm 13 vụ, 100/113 vụ). Về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, lực lượng công an toàn tỉnh tiếp nhận 65 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, đã giải quyết đấu tranh làm rõ 65 vụ/68 đối tượng, đạt tỉ lệ 100%; đã đấu tranh làm rõ 95 vụ/209 đối tượng liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật người dưới 18 tuổi, đạt tỉ lệ 95%.

Để đạt được kết quả đó, trong thời gian qua Ban chỉ đạo về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã làm tốt công tác tham mưu cho Công an tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản để chỉ đạo, triển khai đến công an các đơn vị, địa phương và các ngành có liên quan; làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng với hình thức tuyên truyền được đổi mới và đa dạng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, Ban chỉ đạo tỉnh chủ động làm tốt công tác phòng ngừa nhằm kiềm chế kéo giảm vụ việc xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi, trong đó gắn liền công tác phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan người dưới 18 tuổi; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các buổi trao đổi kỹ năng tự nhận biết, xử lý phòng tránh xâm hại cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tập trung ở các địa bàn trọng điểm, trường dân tộc nội trú; vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm công tác liên quan đến xâm hại trẻ em; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Như Ý