Dịp tết: Cẩn thận nguy cơ ngộ độc rượu
Đời sống - Ngày đăng : 05:44, 12/12/2022
1. Trong năm 2022, các kênh thông tin chính thống đưa tin về ngộ độc do uống rượu xảy ra tử vong nhiều người ở một số tỉnh, thành. Với người bị ngộ độc nhẹ thì được cứu sống, ít nhiều cũng để lại di chứng. Điển hình mới đây, vụ ngộ độc 6 người ở Lâm Đồng nghi do rượu, thì có 2 người tử vong. Trong bữa ăn cơm trưa tại rẫy cà phê có 8 người, thì 6 người uống rượu trong bữa ăn. Cả 6 người đều bị ngộ độc. Tháng 11/2022, vụ ngộ độc rượu 5 người ở Kiên Giang thì có 3 người tử vong. Thời điểm tháng 8/2022, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do uống rượu khiến cho 2 người tử vong. Tháng 7/2022, Cà Mau có 3 người phụ nữ tử vong sau khi uống rượu…
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần tiếp nhận vài ca bệnh nhân trong tình trạng mệt, nôn ói, mắt lờ mờ, huyết áp tăng và người nhà khai có uống rượu. Bác sĩ nghi ngờ do ngộ độc rượu và kịp thời chuyển tuyến. Để xác định có phải ngộ độc rượu hay không, phòng khám không đủ phương tiện, thiết bị để kiểm tra nồng độ methanol trong máu như thế nào. Đó là chia sẻ của bác sĩ Huỳnh Đông Côn Lĩnh - Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần (Hàm Thuận Nam). Theo Sở Y tế tỉnh, Bình Thuận chưa ghi nhận vụ ngộ độc do rượu, bia trong năm nay.
2. Tuy nhiên, thực tế trong tỉnh, phần lớn các cửa tiệm tạp hóa, quán nhậu bình dân ở lề đường đều có bán rượu trắng (rượu gạo), rượu ngâm chuối hột, rượu ngâm rễ cây lá… không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Khi đề cập đến loại rượu này ở đâu sản xuất, một số chủ cửa tiệm, hàng quán đều nói rằng: “Các lò nấu rượu nhỏ, lẻ nấu cơm, ủ men. Sau vài ngày, cơm lên men được chưng cất theo kiểu thủ công để thành rượu”. Còn chất lượng rượu ra sao, người nấu rượu, người bán lẻ có pha thêm nước và cồn công nghiệp vào hay không để được bán giá cạnh tranh vì mục đích lợi nhuận là câu hỏi đang đặt ra.
Quay trở lại các trường hợp ngộ độc do uống rượu, phần lớn là nam giới trong độ tuổi lao động, xuất phát từ việc uống rượu không rõ nguồn gốc. Từ những trường hợp ngộ độc rượu được đề cập như trên, gióng lên sự cảnh báo về nguy cơ ngộ độc rượu vào dịp lễ tết, cuối năm. Đây là thời điểm có nhiều liên hoan, tiệc tùng, tất niên, đám giỗ, đám cưới, thăm hỏi chúc tết… cùng với đó cũng không ít rượu, bia được sử dụng. Nếu lạm dụng uống quá nhiều rượu, bia vào những dịp này, thì tỷ lệ thuận hàng loạt vấn đề khác có nguy cơ gia tăng. Theo các bác sĩ, uống quá nhiều bia, rượu, người uống sẽ dễ bị ngộ độc và mắc các bệnh liên quan đến gan, dạ dày, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi… Rối loạn tâm thần, hành vi do rượu, bia cũng là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông khi điều khiển xe lưu thông trên đường, hoặc các vụ đánh nhau thậm chí sử dụng vật dụng gây án chết người…
3. Để tránh ngộ độc rượu cũng như mắc các bệnh liên quan, Sở Y tế Bình Thuận kêu gọi người dân không lạm dụng rượu, bia; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân, theo truyền miệng nhau; không uống rượu không có nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
Được biết, trong kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 do UBND tỉnh ban hành, cũng đề ra mục tiêu giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây rối loạn sức khỏe tâm thần. Cụ thể, 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại rượu, bia. Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia. 50% người từ 18 tuổi trở lên được sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia.