Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt gần 43.000 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 12/12/2022

Theo ngành ngân hàng, từ ngày 25/10/2022, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3,5 - 6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4,2 - 8,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 5,2 - 8,85%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 6,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 8,5 - 12%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 13%/năm.

Bên cạnh đó, vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 42.974 tỷ đồng, chiếm 54,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 292 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 530 tỷ đồng, chiếm 0,68% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.063 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng dư nợ.

img_9259.jpg

Ngoài ra, chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được nhà nước quan tâm, dư nợ (nội bảng) 229,2 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 56,9 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 171 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 1,2 tỷ đồng). Nợ xấu (nội bảng) là 134,1 tỷ đồng/20 tàu, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 64,4 tỷ đồng/45 tàu, nợ ngoại bảng là 694,3 tỷ đồng/61 tàu. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.778,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 123,1 tỷ đồng/334 hộ; dư nợ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 6 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 14,7 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

M. Vân