Phát triển sản phẩm OCOP: Tăng giá trị nông sản địa phương
Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 12/12/2022
Khai thác tiềm năng, lợi thế sản phẩm OCOP
Bình Thuận giàu tiềm năng, sản vật thiên nhiên là lợi thế tạo nên nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Với sự quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực của các chủ thể, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hương vị của một Bình Thuận rất đặc trưng: Từ hạt gạo của vùng núi Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong cho đến các sản phẩm từ trái thanh long của Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; sản phẩm nước mắm, hải sản các loại của Phan Thiết, Phú Quý… Với mỗi chủ thể tham gia chương trình OCOP bằng sự tâm huyết đều nỗ lực quan tâm nhiều hơn nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất…
Sản phẩm OCOP Bình Thuận giới thiệu tại Hội chợ OCOP các tỉnh
Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ: Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường là động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh ta có 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Phấn đấu có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP năm 2022
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 919 ngày 1/8/2022 phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3799 ngày 9/11/2022 thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch 4014 của UBND tỉnh ngày 24/11/2022 thực hiện chương trình OCOP tỉnh năm 2022 để triển khai Chương trình kịp thời trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, dự toán chi tiết kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 với tổng kinh phí 1.660 triệu đồng sẽ tập trung các hoạt động: Tuyên truyền, phát triển sản phẩm mới đạt OCOP từ 3 sao trở lên, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, in ấn tuyên truyền Chương trình, tem, kiểm tra các chủ thể OCOP, hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP các cấp, chi thưởng sản phẩm đạt sao OCOP. Ngoài ra, chi cục đã tham mưu triển khai xây dựng đề cương Đề án “Xây dựng phần mềm Số hóa quy trình triển khai chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận”.
Tánh Linh đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2022
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có từ 15-20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời đẩy mạnh các công tác hỗ trợ các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2022 đã đăng ký, sau đó Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, đây cũng là căn cứ tin cậy để người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm địa phương. Mặt khác thông qua chương trình OCOP các sản phẩm có điều kiện ưu tiên hỗ trợ bằng những chính sách tốt, đặc biệt, được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm...