Hàm Thuận Bắc: Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:14, 13/12/2022
Nhờ đó sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì ổn định, đảm bảo lịch thời vụ, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày ước thực hiện 46.617/48.198 ha, đạt 96,7% KH năm. Trong đó cây lúa 26.104 ha, cây bắp 1.500 ha, cây lấy bột 816 ha, cây thực phẩm 3.509 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.870 ha. Ngoài ra huyện đã chỉ đạo sản xuất giống lúa mới đạt trên 1.690 ha, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực ước thực hiện 164.885 tấn, đạt 100,5% KH (164.000 tấn), trong đó lúa 153.577 tấn (giảm 4.574 tấn so năm 2021). Toàn huyện thực hiện chuyển đổi 356 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác như sản xuất rau các loại 322 ha, trồng dưa hấu, đậu phộng và khoai lang 34 ha.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả, như mô hình thâm canh cây bưởi theo VietGAP tại xã Thuận Minh, với quy mô 4 hộ/1,6 ha. Mô hình trồng ớt theo VietGAP tại xã Hồng Liêm, Hồng Sơn, Đông Tiến, quy mô 27 hộ/5,7 ha. Mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Hàm Chính, quy mô 8.000 con/hộ. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn và liên kết tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được duy trì ổn định. Điển hình là mô hình trồng táo hồng 2 ha tại xã Hàm Phú; mô hình trồng nho xanh hồng Nhật trong nhà kính 5 ha và giống thanh long tổ yến Ecuado 3 ha tại xã Hồng Liêm; mô hình trồng thanh long vỏ vàng của HTX Trung Bình - Hàm Đức 100 ha; mô hình trồng dưa lưới tại các xã Thuận Hòa, Hồng Liêm, Hồng Sơn, Đông Giang… Diện tích cây sầu riêng trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Hiện nay toàn huyện có gần 934 ha, tập trung tại 4 xã vùng cao Đa Mi, La Dạ, Đông Tiến và Đông Giang. Trong năm 2022, có 2 cơ sở (Công ty Dịp A Hùng và Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đa Mi) được cấp mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng. Nhờ đó hiện nay trên địa bàn huyện được cấp 16 mã vùng trồng (gồm 14 mã vùng trồng cây thanh long và 2 mã vùng trồng cây sầu riêng) và 27 mã cơ sở đóng gói trái thanh long.
Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định với tổng đàn gia súc 149.700/92.000 con, đạt 162,7% KH (đàn bò, trâu 46.000/44.000 con, đàn heo 98.000/42.000 con và đàn dê 5.700/6.000 con); tổng đàn gia cầm 730.000/750.000 con, đạt 97,3% KH. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Qua đó đã tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng được 38.000 liều, tụ huyết trùng 4.675 liều, viêm da nổi cục 36.000 liều cho đàn trâu, bò và cúm gia cầm 300.000 liều. Vận động các hộ dân tự bỏ kinh phí tiêm phòng vắc xin các loại 101.851 liều cho đàn vật nuôi (đàn heo 18.575 liều, đàn gia cầm 83.100 liều và chó 176 liều). Ngoài ra, đã tổ chức kiểm soát giết mổ 17.000 con heo và 12.000 con gia cầm...
Song song với phát triển kinh tế, huyện còn chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào canh tác có hiệu quả các loại cây trồng, vật nuôi, nhờ vậy năng suất, sản lượng cây lúa nước, bắp lai đều tăng so năm trước. Từ đầu năm đến nay, đồng bào 2 xã Đông Giang, La Dạ đã khai thác được 18,7 tấn mủ cao su, thu được 192 triệu đồng. Huyện đã thành lập các đoàn tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng, sang nhượng đất tại xã La Dạ. Rà soát lại tính cấp thiết của các hạng mục công trình thuộc Dự án định canh, định cư tập trung Khu dân cư Dốc Da (xã Thuận Minh), nhất là xác định việc xây dựng nhà ở của các hộ đồng bào có nhu cầu tái định cư tại đây.