Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư
Chính trị - Ngày đăng : 05:20, 13/12/2022
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên
Trong nhiều văn bản lãnh đạo, Đảng ta xác định: Công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn, thư là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của từng cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC là thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Đồng thời, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giúp ổn định an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển đất nước, địa phương.
Tại Bình Thuận, thời gian qua, công tác tiếp dân và xử lý đơn, thư được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện khá tốt, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật, đã tăng cường công tác tiếp dân, chú trọng hơn công tác xử lý giải quyết đơn, thư; gắn việc giải quyết đơn, thư với công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra… Từ đó giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giảm tình trạng khiếu kiện đông người. Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, năm 2020, 2021 và 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh tổ chức tiếp hơn 15.000 lượt/22.000 người; tiếp nhận và xử lý trên 16.600 đơn, thư KNTC. Nội dung đơn, thư chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; tố cáo cán bộ công chức, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Kết quả, tỷ lệ giải quyết đơn, thư hàng năm đạt trên 90%, riêng 9 tháng năm 2022 giải quyết đạt 73,37%. Qua xử lý đã khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân; phát hiện những sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số vụ việc, đơn, thư KNTC, phản ánh, kiến nghị gửi vượt cấp có xu hướng gia tăng; số lượng đơn, thư vượt cấp ngày càng nhiều (từ tháng 10/2018 đến nay, đã có 3.207 đơn, thư gửi đến Thường trực Tỉnh ủy; trung bình gần 800 đơn/năm). Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản... còn diễn biến phức tạp.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Có ngành, địa phương mới chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm để có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc. Bên cạnh, việc giám sát thực hiện tiếp dân, giải quyết KNTC của cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Tại hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn, thư KNTC, phản ánh, kiến nghị” vừa qua, đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy cho biết, bên cạnh việc một số người dân cố tình tiếp tục gửi đơn dù sự việc đã được giải quyết thấu đáo, thì có nơi trách nhiệm của người đứng đầu một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, sở, ngành chưa cao. Bí thư Tỉnh ủy dẫn chứng, có hôm tại buổi tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, sau khi các ngành xem đơn đã cùng hứa sẽ giải quyết xong cho dân trong vòng 1 tháng. Điều này cho thấy, nếu chúng ta tập trung giải quyết sự việc sớm cho người dân thì người dân không phải chờ đến lúc gặp Bí thư Tỉnh ủy. “Không ai sung sướng gì khi suốt ngày, suốt tháng, năm này qua năm khác mà trong đầu cứ quẩn quanh chuyện đi khiếu nại. Nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, kinh tế giảm sút cũng vì đi khiếu nại. Thực tế nhiều sự việc nếu được giải quyết một cách hợp lý, hài hòa ngay từ đầu thì người dân sẽ không khiếu nại kéo dài” – đồng chí Dương Văn An khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp và xử lý đơn, thư cho công dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cán bộ tiếp nhận đơn, thư cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân. Trong mọi trường hợp phải lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển. Có cơ chế bảo đảm quyền của nhân dân để nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương; công khai, minh bạch trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các loại đơn, thư, phản ánh của công dân. Tập trung giải quyết ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh các vụ khiếu kiện để hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Quá trình tiếp dân, xử lý đơn thư phải đặt mình vào vị trí người dân để hiểu, chia sẻ; đồng thời theo đuổi sự việc đến cùng để nắm rõ. Từ đó có biện pháp giải quyết một cách thấu đáo, có tình, có lý trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân...