Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội thảo khoa học
Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 13/12/2022
Hội thảo được xem là cuộc hội họp giữa những nhà quản lý, những người có kiến thức khoa học, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, đề cập về một chủ đề nào đó, đưa ra ý kiến chuyên sâu, chia sẻ, thảo luận, bàn bạc, khẳng định giá trị của nó đối với đời sống xã hội, hoặc tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoặc để áp dụng những tiến bộ mới của khoa học - công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, các cơ quan, ban ngành của địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành tổ chức nhiều cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế - xã hội ở Bình Thuận đang cần, nhất là về lĩnh vực trồng và tiêu thụ sản phẩm cây thanh long. Kết quả các cuộc hội thảo đã tạo ra những chuyển biến tích cực, mang lại ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và lợi ích cho người dân. Gần đây, những ngày đầu tháng 12/2022, tại TP. Phan Thiết, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo về Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long tại tỉnh Bình Thuận.
Trước yêu cầu của chuyển đổi số sẽ có nhiều cuộc hội thảo khoa học được tiến hành. Tuy vậy, nhìn lại quá trình tổ chức hội thảo khoa học trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn những hạn chế mà bản thân tác giả bài viết đã tham gia khá nhiều cuộc hội thảo (kể cả ở Trung ương và địa phương) thấy rõ là các tác giả của các bài tham luận cứ lên diễn đàn trình bày đầy đủ từng câu, chữ của bài viết, có bài dài cả hơn chục trang, chiếm mất nhiều thời gian. Như vậy, người tham dự không thể nào tiếp thu được nhiều nội dung đề cập, vì quá dàn trải. Đồng thời phần thời gian còn lại cho việc trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề sẽ còn rất ít. Do vậy giải pháp hướng tới khắc phục tình trạng này là Ban tổ chức và những người điều hành hội thảo cần phân phối, bố trí thời gian hợp lý cho nội dung, chương trình hoạt động của hội thảo để đảm bảo tính khoa học.
Để làm được điều này, cơ quan chủ trì hội thảo cần lên một kế hoạch chi tiết, chu đáo ngay từ đầu. Trong thời gian chuẩn bị cần đặt vấn đề cho những người viết tham luận cùng với việc xây dựng nội dung bài đầy đủ chi tiết để in kỷ yếu khoa học thì cần có bài báo cáo tóm tắt, chọn lọc những vấn đề trọng tâm cơ bản dùng cho trình bày tại hội thảo. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, thu hút sự chú ý của người tham dự, và dễ tiếp thu nội dung bài tham luận. Điều có ý nghĩa thiết thực là khi có thời gian hợp lý cho phần trao đổi, thảo luận, tranh luận sẽ tránh được tình trạng độc thoại và làm cho hội thảo được sinh động hơn…
Kết thúc hội thảo, bộ phận chủ trì phải có kết luận, đúc kết các vấn đề đã được bàn thảo thống nhất, có giá trị về khoa học, có khả năng vận dụng vào thực tiễn và sự ảnh hưởng tác động đối với đời sống xã hội. Sản phẩm của hội thảo cần được các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu vận dụng để phát huy giá trị khoa học, mang lại hiệu quả thiết thực. Tránh tình trạng bỏ ra nhiều đầu tư về trí tuệ, chi phí về tài chính, thời gian, công sức để tổ chức cuộc hội thảo, nhưng kết quả sau đó bị “đóng băng”, gây lãng phí về nhiều mặt.