Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm IUU

Kinh tế - Ngày đăng : 05:22, 14/12/2022

Mặc dù thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh tay, nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá trong tỉnh khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm khai thác IUU còn bộc lộ hạn chế, chưa nghiêm. Vì thế cuộc chiến gỡ “thẻ vàng” EC vẫn rất gian nan nếu UBND tỉnh không mạnh tay, cứng rắn với nhiều vi phạm IUU đã và đang xảy ra.

Chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài… Trong đó, công tác tuyên truyền được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thường xuyên, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản, ngăn chặn, giảm thiểu hành vi vi phạm khai thác IUU.

z3793113061072_cd554b02c872d81948c77e96795668b3.jpg
Tàu cá ra, vào cảng thông báo trước 1 giờ đạt tỷ lệ 85%.

Theo UBND tỉnh, đến nay cơ quan chức năng của tỉnh đã cấp đăng ký 5.702 chiếc vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp giấy an toàn kỹ thuật theo quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên là 2.951/3.887 chiếc, chiếm 76%. Tất cả tàu cá được đăng kiểm đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá theo quy định. Bên cạnh đó, đã cấp giấy phép khai thác thủy sản là 4.780/5.702 tàu cá đăng ký, đạt 83,8%. Số tàu cá còn lại là 922 chiếc, chưa cấp phép chủ yếu thuộc nhóm tàu cá dưới 12 mét hoạt động ven bờ đã được thống kê, đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và thông báo định kỳ hàng tuần đến chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Song song đó, Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết đã ban hành quy trình giám sát tàu cá rời cảng, cập cảng, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng và thu nhật ký, quy trình kiểm soát tàu cá rời cảng, vào cảng bốc dỡ sản phẩm theo quy định. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tàu cá ra, vào cảng thông báo trước 1 giờ đạt tỷ lệ 85%; giám sát 4.951 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản/18.112 tấn hải sản; thu 3.843 sổ nhật ký khai thác (đạt tỷ lệ 77,6%). Theo BQL Cảng cá Phan Thiết, hoạt động kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng lên bến của cảng cá có nhiều tiến bộ, kết quả thực hiện năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt 100% theo quy định; nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm túc việc thông báo trước 1 giờ khi tàu vào, rời cảng. Ngư dân cũng chưa tự giác ghi nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua cho Ban quản lý cảng, nhất là các tàu cá nhỏ hoạt động đi/về trong ngày, sản lượng khai thác thấp nên thường không cập cảng mà vận chuyển sản phẩm vào cảng bằng thúng chai, xuồng chèo, nên khó khăn trong thu nhận nhật ký và giám sát sản lượng bốc dỡ lên cảng; trình độ của ngư dân còn hạn chế nên việc ghi chép nhật ký khai thác còn nhiều sai sót…

ca-pri.jpg
Tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát cao điểm tại các khu vực cảng cá.

Xử lý vi phạm IUU còn hạn chế

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng) tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản, nhất là vi phạm về IUU. Trong 11 tháng đã xử phạt 283 vụ/3,6 tỷ đồng, tước 2 giấy phép khai thác, 13 bằng thuyền trưởng; tịch thu 107 bộ kích điện, 26 ngư cụ cấm, 1 đụt lưới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt 124 vụ/482,25 triệu đồng. Tuy vậy, các vi phạm khai thác IUU thực tế xảy ra nhiều như: Hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá; tàu cá mất kết nối VMS trên biển... nhưng việc xử lý còn hạn chế, chưa thật sự nghiêm khắc.

Để chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết nhóm tàu cá có nguy cơ cao. Công khai các tàu cá, lao động vi phạm vùng biển nước ngoài tại địa phương và trên hệ thống thông tin đại chúng; vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn, không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát cao điểm tại các khu vực cảng cá và cửa biển để kiểm tra thủ tục, giấy tờ điều kiện khai thác của tàu cá. Cảnh báo thuyền trưởng tàu cá thực hiện nghiêm việc khai báo khi ra vào cảng cá, ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định. Các Ban quản lý cảng cá tăng cường lực lượng, trang bị phương tiện cần thiết giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; thực hiện nghiêm quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Đặc biệt, phải tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm thuyền nghề giã cào bay khai thác trái phép, không để phát sinh phức tạp trên biển, gây bức xúc trong ngư dân. Cùng đó, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã vào cuộc quyết liệt, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi khai thác IUU theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 42/2019 của Chính phủ, nhất là các hành vi vi phạm về IUU xảy ra phổ biến.

M. Vân