Làm gì để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT?

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:03, 15/12/2022

Quyết định số 546/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2022-2025, nhằm xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHYT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025 tại địa phương.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định số 546 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cấp, ngành đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, tổ chức chủ động trong việc phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Phát huy kết quả đã thực hiện được năm 2021, phấn đấu mỗi năm phát triển bình quân trên 1% dân số tham gia BHYT, để đến năm 2025 đạt 95% dân số. Tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh có số người tham gia BHYT là 1.024.670 người. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 88,6% dân số.

dsc_3653.jpg
Giải quyết hồ sơ cho người dân liên quan đến BHYT.

Một vấn đề được đề cập khá thường xuyên của các ngành chức năng và người dân là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó, không thể lúc nào cũng “hô hào” gắn ý thức trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ, nhưng lại thiếu đầu tư trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại phục vụ việc khám chữa bệnh. Tất nhiên người tham gia BHYT luôn mong muốn được chăm sóc tốt nhất, hưởng đầy đủ quyền lợi đúng nghĩa nhất của người bệnh. Trong thời gian gần đây, tại một số bệnh viện công của tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, khiến cho người bệnh lo lắng, bất an và chưa thực sự hài lòng khi đến khám chữa bệnh. Điều đó tuy không phổ biến nhưng cũng ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHYT.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12, ông Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Việc thiếu thuốc, vật tư y tế có xảy ra, nhưng chỉ mang tính cục bộ, không xảy ra ở hầu hết bệnh viện công. Nguyên nhân thiếu được người đứng đầu ngành y tế giải trình là do thiếu sót trong quá trình dự báo tình hình bệnh tật, tại các thời điểm do nhu cầu sử dụng tăng cao, dự trù chưa sát nhu cầu sử dụng thuốc nên việc mua, nhập kho dự trữ chưa kịp thời. Có thể thấy, để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế, trách nhiệm chính của ngành y tế, song cũng có thể hiểu và thông cảm là chuỗi cung ứng trên thị trường bị đứt gãy, nhiều gói thầu không tìm được đơn vị thẩm định giá, chưa kể vụ Việt – Á xảy ra khiến tâm lý những người làm công việc đấu thầu e ngại…

Từ vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện công, trung tâm y tế phải xem việc bảo đảm có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ việc khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, là công việc thường xuyên. Thiếu thuốc, vật tư y tế là điều không mong muốn, song nó cũng cảnh báo tình trạng thiếu chủ động trong việc theo dõi diễn biến thị trường, nhu cầu cần thiết phải sử dụng, rồi lượng dự trữ của các đơn vị y tế là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Và công việc này không ai có thể nắm rõ và làm thay cho ngành y tế tỉnh nhà.

Được biết, để thực hiện tốt Quyết định 546 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở Y tế tăng cường kết nối dữ liệu trong thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và cơ quan BHXH. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhất là đối với đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định; phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 theo khả năng cân đối ngân sách.

Như Nguyễn