Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ

Pháp luật - Ngày đăng : 05:22, 15/12/2022

Những năm gần đây tình hình xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn vì không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội.

Thực trạng trẻ em bị xâm hại

Thực tế cho thấy, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, gây bức xúc trong dư luận và tâm lý lo lắng trong nhân dân. Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 49 vụ xâm hại trẻ em, năm 2021 là 42 vụ và 9 tháng năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 28 vụ/28 đối tượng xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó còn có những vụ xâm hại trẻ em không được khai báo do nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy số vụ trẻ em bị xâm hại trên thực tế có thể sẽ cao hơn so với số báo cáo. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em phần lớn do ba mẹ, người quen biết, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra. Nạn nhân của xâm hại trẻ em đa phần là trẻ em gái, độ tuổi có xu hướng ngày càng nhỏ. Với thủ phạm xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân quen lợi dụng sự quen biết với gia đình trẻ em, thủ phạm có hành động, lời nói để tạo niềm tin với trẻ em như dùng lời khen, chia sẻ sở thích, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ em khiến trẻ em tin tưởng, yêu quý và mất cảnh giác với đối tượng. Các đối tượng xâm hại thường nhắm vào trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình có vấn đề xã hội, trẻ sinh ra trong gia đình không được ba mẹ quan tâm. Với đối tượng xâm hại là người lạ, các đối tượng triệt để sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trò chơi trực tuyến để làm quen, kết bạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn công việc tốt, cuộc sống giàu sang để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em.

44.jpg
Trẻ em nêu ý kiến tại Diễn đàn Trẻ em năm 2022. Ảnh tư liệu.

Xâm hại trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục có những thương tích trên cơ thể, có thể bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Một số trẻ em nữ bị xâm hại tình dục khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh… Nhưng hậu quả lớn nhất mà hành vi xâm hại gây ra đối với trẻ em là những tổn thương về tinh thần, trẻ dễ bị mặc cảm, tự ti, hoảng loạn phát triển không bình thường, xuất hiện các ảo giác bệnh lý. Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Nhiều trường hợp các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Mặc dù thời gian gần đây, các vụ việc trẻ em bị xâm hại được thông tin ngày càng nhiều, điều đó cho thấy nhận thức của nhân dân về vấn đề xâm hại trẻ em ngày càng tốt. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cần được các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay thực hiện. Để chung tay bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, trọng tâm là Chỉ thị số 18, ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cung cấp, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột. Phối hợp các đơn vị liên quan phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp. Tăng cường tuyên truyền về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến trẻ em, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh. Tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt đội, chi đoàn để thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…

THANH QUANG