Chuẩn bị các điều kiện để thắng lợi vụ đông xuân
Kinh tế - Ngày đăng : 05:31, 15/12/2022
Tập trung xuống giống trong tháng 12/2022
Những ngày này, cùng với thời điểm nông dân các địa phương tranh thủ thu hoạch diện tích lúa vụ mùa còn lại, bà con đồng thời tập trung xuống giống vụ đông xuân. Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2022 – 2023 theo kế hoạch của tỉnh là 47.010 ha. Trong đó cây lương thực 39.150 ha (lúa 36.415 ha, bắp 2.735 ha), sản lượng lương thực 248.734 tấn (lúa 227.144 tấn, bắp 21.590 tấn). Khung thời vụ chung trên địa bàn toàn tỉnh là từ ngày 25/11/2022 đến 20/1/2023, nhưng tập trung xuống giống trong thời gian từ 5/12/2022 đến 5/1/2023. Trong đó, các địa phương cần lưu ý, tùy theo tình hình thực tế của địa phương để xây dựng cụ thể lịch thời vụ gieo trồng cho phù hợp. Phải bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa, tối thiểu là 3 tuần. Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú của Chi cục Trồng trọt và BVTV để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng khu vực, từng cánh đồng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng lưu ý, đối với sản xuất lúa và cây hàng năm khác, các địa phương cần tập trung rà soát, bố trí thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa phù hợp với tình hình từng thời điểm, từng địa bàn. Đồng thời nắm chắc tình hình thời tiết, theo dõi chặt chẽ nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất, có phương án điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp cho sản xuất. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...
Tưới tiết kiệm nước
Thời điểm sản xuất vụ đông xuân, cũng là thời gian đầu mùa khô, nên việc đảm bảo nguồn nước sản xuất đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tích trữ nước khi vào mùa khô hạn. Song song, xây dựng kế hoạch sản xuất, có phương án điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp. Mặt khác, cần nắm chắc diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu để có giải pháp ứng phó kịp thời. Vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.
Để đảm bảo các điều kiện phục vụ thắng lợi vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh cũng lưu ý các địa phương rà soát tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển bền vững. Khuyến cáo người dân không phát triển thêm diện tích trồng mới mà tập trung vào thâm canh, chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo sản xuất, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân được thuận lợi. Bám sát đồng ruộng, theo dõi, dự tính dự báo để chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, có phương án đối phó và chủ động tổ chức phòng, chống dịch, xử lý kịp thời không để sâu bệnh hại phát sinh trên diện rộng và hướng dẫn cho nông dân tổ chức phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, đến ngày 12/12, dung tích hữu ích hiện tại trên 18 hồ đập của tỉnh là 299,614 triệu m3/362,37 triệu m3, đạt 82,68% so với dung tích hữu ích thiết kế (cao hơn cùng kỳ trên 37,38 triệu m3).