Ứng dụng khoa học công nghệ: Hỗ trợ thiết thực vào sản xuất - kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 15:26, 19/12/2022

Thông qua thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành chức năng của tỉnh tập trung hỗ trợ thiết thực bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện địa phương nhằm giúp doanh nghiệp, cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh…

Với những sản phẩm lợi thế, năm nay Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đăng ký gia hạn nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon fruit, hình” tại Hoa Kỳ, Malaysia. Tương tự là hỗ trợ Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết đăng ký gia hạn nhãn hiệu Phan Thiết, ngoài ra còn cấp chỉ dẫn địa lý Phan Thiết đối với sản phẩm nước mắm cho 6 cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó tham mưu tỉnh cho phép Hợp tác xã nông nghiệp Đức Hạnh sử dụng tên địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “HTX NÔNG NGHIỆP ĐỨC HẠNH”. Mới đây, sở chức năng đã trình và được UBND tỉnh đồng ý cho Hợp tác xã thanh long Phú Cường, huyện Hàm Thuận Nam sử dụng tên địa danh “HÀM CƯỜNG” như là yếu tố cấu thành nhãn hiệu tập thể “THANH LONG - DƯA LƯỚI HÀM CƯỜNG, hình” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể…

img_4579.jpg
Hoạt động khoa học công nghệ hướng đến hỗ trợ ứng dụng thiết thực cho các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận
(Ảnh minh họa).

Thời gian qua ngành cũng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó hướng đến chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất sạch, sử dụng năng lượng sạch, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu tại địa phương. Như phối hợp Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị cho dự án của Công ty TNHH Hải Nam và Công ty TNHH Chế biến bột cá Kim Long với tổng kinh phí hỗ trợ năm 2022 là gần 1,9 tỷ đồng. Xúc tiến hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm Yến sào Phương Toàn, Hạt sen Tường Lam, Thịt dê Nguyễn Hoài Đức, Rau Đức Hạnh, Thanh long Gia Việt.

Cùng với đó còn đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng khuyến khích các tổ chức liên kết với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia thực hiện. Trong đó Công ty CP Dược và vật tư y tế Bình Thuận chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, thực phẩm chức năng từ cây bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L) tại Bình Thuận”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chiết xuất tinh dầu từ nguồn dược liệu Ngũ trảo (Vitex negundo L) tạo sản phẩm đặc trưng cho huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận”. Đồng thời tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ là “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ loài địa y Roccella Montagnei trên địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận”.

Bước vào năm 2023, ngành sẽ tăng cường hoạt động khoa học công nghệ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của Bình Thuận. Thực hiện tốt chính sách đổi mới công nghệ - thiết bị, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tạo năng suất và giá trị gia tăng cao, nhất là với những sản phẩm đặc trưng địa phương. Mặt khác còn thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm trong nước và hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế…

Đ.QUỐC