Để hàng Việt thực sự lan tỏa

Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 20/12/2022

Từ khi triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay đã phần nào làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất nhiều hàng hóa có chất lượng, thay đổi mẫu mã đẹp, tiện dụng mang sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ mua sắm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

z3971033309352_3580ff27a08b1793197b4c1d14a8d1d2.jpg
Mẫu mã sản phẩm hàng Việt ngày càng đa dạng, bắt mắt.

Chuyển biến về nhận thức

Qua nhận xét của người tiêu dùng thì chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng. Đến nay, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi đáng kể. Trên địa bàn thành phố, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng là cán bộ, công chức, ngư dân, nông dân... Chị Nguyễn Thị Thu đang mua sắm tại siêu thị Vinmart (đường Nguyễn Tương – phường Phú Thủy) nhận xét: “Người dân vùng biển, nông thôn chủ yếu thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó hàng ngoại chất lượng tốt thì giá quá đắt, một số mặt hàng giá thấp thì chất lượng không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp của của chúng tôi. Ngoài ra sự đa dạng về hàng hóa cũng là nguyên nhân chính thu hút người tiêu dùng đối với hàng Việt”. Thực tế cho thấy, qua thời gian thực hiện cuộc vận động, sức tiêu thụ hàng Việt trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Nhìn chung, cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến mọi người dân.

Sự chuyển biến ấy có phần không nhỏ là nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động của Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố đã thường xuyên quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung cuộc vận động đến các cơ quan, tổ chức đoàn thể, địa bàn thôn, khu phố và các tầng lớp nhân dân. Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ và hội viên nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động; về thói quen sử dụng hàng Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng đã có nhận thức ưu tiên mua sắm hàng Việt cũng như hưởng ứng tích cực đối với cuộc vận động. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của thành phố khi trang bị, mua sắm tài sản công cũng đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam…

Hướng về hàng Việt

Để cuộc vận động thực sự lan tỏa và người dân chủ động mua sắm hàng Việt, đã có 14 phường và 4 xã đã triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Các sản phẩm đặc trưng của mỗi phường, xã là thế mạnh kinh tế của thành phố. Nhờ vậy, năm 2020 đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao (nước mắm Hoàng Ngư, bánh rế, bánh rế khoai lang, kẹo me, thanh long ruột trắng của HTX DVSX thanh long Tiến Thành) và 14 sản phẩm công nhận xếp hạng 4 sao (các sản phẩm nước mắm của các Công ty Seagull, Cá Đen, Phan Thiết – Mũi Né, các sản phẩm chế biến từ thủy sản của Công ty Đầm Sen, các sản phẩm cá đông lạnh của Công ty Mười Tuyền và sản phẩm yến sào cao cấp của Công ty Covinest). Năm 2021 xếp hạng 5 sao OCOP cấp tỉnh có 2 sản phẩm đó là: Rong nho tươi và Rong nho muối của Công ty TNHH Hải Nam – Okinawa. Sản phẩm đạt 4 sao gồm mực một nắng của Công ty TNHH MTV Hải sản Phan Thiết, mắm lú lâu năm (40oN) của hộ kinh doanh nước mắm Quang Long, nước mắm nhỉ cá cơm Bà Hai - Công ty TNHH nước mắm Bà Hai và nước mắm Toàn Hương 60 độ đạm của Công ty TNHH Toàn Hương Phan Thiết.

Ngoài ra, địa phương thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP các hoạt động xúc tiến thương mại, mang sản phẩm lợi thế của địa phương quảng bá đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước, giúp sản phẩm của các doanh nghiệp tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng hơn. Từ đó các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng các kế hoạch, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều. Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… vẫn còn nhiều trên thị trường, phần nào gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm giảm uy tín của hàng Việt. Do vậy thời gian tới, thành phố cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện cuộc vận động ở địa bàn từng phường, xã. Đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn… để người tiêu dùng thật sự tin tưởng và hướng về hàng Việt.

H.Trinh