Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế
Xã hội - Ngày đăng : 05:20, 22/12/2022
Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng bị thu hẹp, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giữ đà tăng trưởng
Trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã khẳng định mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên, tinh thần đoàn kết, vượt khó, quyết tâm đổi mới, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đặc biệt là phát triển nông nghiệp và du lịch. Tỉnh đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Nhờ đó, Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ. Tỉnh Bình Thuận có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, với đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi như đường bộ, đường sắt, cảng biển và tuyến hàng hải quốc tế đi qua. Đặc biệt, sân bay Phan Thiết đang được xây dựng và khi hoàn thành sẽ trở thành công trình hạ tầng chiến lược tạo động lực phát triển mới cho tỉnh. Bình Thuận còn có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo và có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó tỉnh còn có lợi thế phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó cây thanh long với hơn 30.000 ha, sản lượng lớn nhất Việt Nam. Hơn 700.000 ha diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp và hệ thống công trình thủy lợi khá đồng bộ. Với bờ biển dài 192 km cũng là thuận lợi lớn để tỉnh phát triển kinh tế biển. Những lợi thế đó trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội nên đã duy trì được đà tăng trưởng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 6,37%, thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 5.248 tỷ đồng, đạt 61,8% dự toán, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,05%, doanh thu từ du lịch tăng 17%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,4% so cùng kỳ năm trước… Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh và cải thiện đáng kể. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Bình Thuận đứng thứ 21/63 tỉnh - thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020.
Phát triển nhanh và bền vững
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Bình Thuận xác định phải phát triển nhanh và bền vững. Để làm được điều này tỉnh sẽ chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách, bảo vệ môi trường. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, kiên định mục tiêu xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, đồng thời, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Bên cạnh đó tập trung giải ngân vốn đầu tư công có hiệu quả, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các quyết định của UBND tỉnh giao các sở, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước và quốc phòng - an ninh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ đề ra. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, du lịch, các dự án công nghiệp, dự án năng lượng, đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh và thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Tiếp tục khắc phục các tồn tại hạn chế qua đánh giá các chỉ số PCI, PAPI, Par Index, SIPAS. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn thu lớn, hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc và điểm nghẽn trong xử lý nợ và chống thất thu thuế. Đồng thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo…