Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:37, 22/12/2022

Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh xác định 1 trong 3 khâu đột phá đó là: Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện đột phá quan trọng này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Lao động sẽ tập trung vào nhiều giải pháp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Trên 82% học viên có việc làm

Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, trên 24.300 học viên có việc làm sau học nghề, đạt tỷ lệ có việc làm sau học nghề là trên 82,7%.

1.jpg
Ảnh minh hoạ. N.Lân

Mặc dù vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn những khó khăn nhất định. Đáng chú ý là công tác tuyên truyền, tư vấn triển khai còn chậm, hình thức chưa phong phú, chưa sâu rộng đến nhân dân. Chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, một số nghề tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chưa cao. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo còn thiếu, nội dung chương trình, giáo trình chưa thường xuyên được bổ sung, cập nhật các kiến thức mới; bên cạnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh & Xã hội cho rằng, nguyên nhân chính là do một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo, chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể trong công tác tuyển sinh, dạy nghề, chưa khai thác các nghề phi nông nghiệp để tổ chức dạy nghề; chưa nắm vững các quy định như: dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập, thanh quyết toán kinh phí, chưa khuyến khích thu hút giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ tay nghề cao…

Huy động mọi nguồn lực

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ phối hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tích cực triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đối với công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Mặt khác, theo dõi và đôn đốc việc triển khai các mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả cao. Phát triển hình thức ký hợp đồng đào tạo nghề giữa UBND cấp xã với các cơ sở dạy nghề, đảm bảo cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm ngay; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân, đảm bảo thu hút lao động làm việc tại chỗ và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Kiểm tra tình hình cho vay vốn giải quyết việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn thu hồi đối với những dự án tạo nhiều chỗ làm việc, thu nhập ổn định phù hợp với lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới…

K.ANH